Ảnh minh họa: Quách Sơn - Mekong ASEAN |
Kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 7/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của một số bộ ngành, địa phương, nhất là 2 đầu tàu kinh tế là Hà Nội, TP HCM đã đóng góp trên 51% tổng thu ngân sách cả nước, trong đó Hà Nội đóng góp 25,93% và TP HCM đóng góp 25,45% tổng thu ngân sách.
Chia sẻ tại Họp báo Chính phủ chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, theo kịch bản xây dựng trên cơ sở kết quả tăng trưởng quý 3 và 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ giữ mục tiêu phấn đấu 7% của cả năm, thậm chí nếu có điều kiện tốt hơn có thể cao hơn 7%.
Một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 2 địa bàn trọng điểm là Hà Nội và TP HCM là đầu tàu cả nước phấn đầu tăng trưởng cao hơn, điều này sẽ tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế cả nước đến cuối năm cũng như bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.
HÀ NỘI
Số liệu mới nhất của Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 3 ước tính tăng 6,06% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,66% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,99%.
Tính chung 9 tháng năm 2024, GRDP của thành phố Hà Nội ước tính tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 5,99% của cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên mức này vẫn thấp hơn so với tăng trưởng GDP chung 9 tháng năm 2024 của cả nước (ước tăng 6,82% so với cùng kỳ 2023).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP. Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính tăng 5,74%, đóng góp 1,15 điểm % vào mức tăng GRDP. Khu vực dịch vụ ước tính tăng 6,76% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,53 điểm % vào mức tăng GRDP. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 3,54% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 0,39 điểm % mức tăng GRDP chung.
Cục Thống kê thành phố nhận định, trong bối cảnh tình hình thế giới căng thẳng chính trị leo thang, diễn biến phức tạp; ở trong nước các tỉnh, thành phố phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng trên là rất quan trọng và đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, bức tranh kinh tế Thủ đô 9 tháng năm 2024 có nhiều điểm sáng như: Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tăng 23,1% và đạt 92,8% dự toán cả năm. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý 9 tháng tăng 34,9%. Khách du lịch đến Thủ đô 9 tháng đạt gần 4,6 triệu lượt người, tăng 31,3% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng tăng 14,2% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng năm 2024, toàn thành phố thu hút 1,5 tỷ USD vốn FDI.
Tuy nhiên, tình hình doanh nghiệp thành phố tiếp tục khó khăn khi số đăng ký mới và vốn đăng ký giảm. Cụ thể, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, có 21.840 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn 198.986 tỷ đồng, giảm 7% về số lượng doanh nghiệp, giảm 15% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, có 35.201 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 9 tháng năm 2024.
TP HCM
Theo Cục Thống kê TP HCM, GRDP quý 3/2024 tăng 7,33% so với cùng kỳ. Với kết quả này, kinh tế TP HCM nối tiếp đà tăng trưởng của hai quý trước, với GRDP quý 1 và 2 lần lượt là 6,54% và 6,31% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng năm 2024, GRDP TP HCM tăng 6,85% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng 4,57% 9 tháng năm 2023 và cao hơn so với mức tăng trưởng GDP chung 9 tháng năm 2024 cả nước (ước tăng 6,82%).
Ngoài nông nghiệp giảm nhẹ, công nghiệp, xây dựng tăng 6,62% so với cùng kỳ, đóng góp 22,2% vào mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn. Dịch vụ tăng 7,46% so với cùng kỳ, đóng góp gần 70% vào mức tăng tổng GRDP; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,47% so với cùng kỳ, đóng góp 8,2% vào mức tăng tổng GRDP.
Theo Cục Thống kê TP HCM, công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực, một số sản phẩm chủ lực tăng khá. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến cuối năm, thậm chí các đơn hàng truyền thống có đến quý I/2025. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại, vận tải, du lịch cũng duy trì đà tăng. Ước tính quý 3/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,6% so với cùng kỳ 2023. Lũy kế 9 tháng ước đạt hơn 872.300 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, xây dựng chỉ tăng 5,29%, mức khiêm tốn khi tình hình giải ngân vốn đầu tư chưa có chuyển biến tích cực. Tính đến 27/9, tổng vốn từ ngân sách Nhà nước đã giải ngân hơn 15.800 tỷ đồng, mới đạt 19,9% so với kế hoạch vốn năm 2024.