Triển lãm về công nghiệp thép Việt Nam hướng tới phát triển xanh do Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội. Ảnh: Anh Thư |
Chuỗi sự kiện bao gồm triển lãm và hội thảo diễn ra trong vòng 2 ngày từ 12 - 13/9 với sự tham gia của khoảng 200 doanh nghiệp trong ngành sản xuất thép, cung ứng các giải pháp chuyển đổi xanh và các ngành liên quan nhằm thảo luận về các giải pháp và xu hướng xanh hóa ngành thép.
Theo VSA, đây là diễn đàn cung cấp, trao đổi thông tin đa chiều và mới nhất của các cơ quan Nhà nước, hiệp hội ngành hàng, chuyên gia, doanh nghiệp thép trong và ngoài nước về quy định pháp luật, chính sách của Việt Nam, khu vực và quốc tế, dòng chảy thương mại. Qua đó, giúp các doanh nghiệp thép sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước và quốc tế.
Hiện phát triển xanh đã trở thành xu hướng chung, tất yếu của thế giới nhằm hạn chế và loại bỏ các tác động xấu của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đang đối mặt và sẽ chịu thiệt hại nặng nề do tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
Để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, các bộ ngành và cơ quan Nhà nước đã và đang xây dựng, triển khai kế hoạch hành động của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu và lộ trình trung hoà carbon của ngành công thương đến năm 2030 - tầm nhìn 2050.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết ngành thép Việt Nam cũng đã nỗ lực chuyển đổi số, tối ưu hóa công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Ảnh: Anh Thư |
Ngành công nghiệp thép Việt Nam đã từng bước phát triển và có nhiều đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với sản lượng thép thô vượt con số 20 triệu tấn/năm (đạt khoảng 23 triệu tấn vào năm 2021), Việt Nam là nước sản xuất thép thô lớn thứ 13 trên thế giới, đứng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết ngành thép Việt Nam cũng đã nỗ lực chuyển đổi số, tối ưu hóa công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Một số doanh nghiệp thép đã tận dụng nhiệt dư phát điện đáp ứng hầu hết nhu cầu điện của nhà máy nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường và bước đầu có kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, ngành thép vẫn phải đang chịu trách nhiệm cho 7 - 9% tổng lượng phát thải quốc gia và 45% các quá trình công nghiệp (đã được xác định trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu).
Do đó, công nghiệp thép Việt Nam cần hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh để đạt được mục tiêu phát thải carbon bằng "0" vào năm 2050. Theo ông Đa, đây thực sự là thách thức nhất lớn của ngành thép Việt Nam trong thời gian tới, nhưng đồng thời cũng là cơ hội lớn để ngành thép "lột xác", hiện đại hóa để trở thành một ngành có trình độ công nghệ hiện đại tiến tiến nhất phát triển bền vững.
Chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Nguyễn Xuân Nghi, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, hiện Hòa Phát đã áp dụng các phương án tái sử dụng các chất thải trong quá trình sản xuất thép nhằm tạo thành một quá trình sản xuất khép kín, giảm tác động tiêu cực tới môi trường.
Theo đó, công ty đã tận dụng lượng nhiệt dư tạo ra trong quá trình sản xuất để chuyển hoá thành đầu vào sản xuất điện và đáp ứng được 80% lượng điện sản xuất. Lượng điện do Hoà Phát tự chủ chính là điện xanh vì không phải đốt thêm than hay bất cứ một vật chất nào khác, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, các chất thải khác trong quá trình sản xuất như xỉ, bụi, nước cũng được Hòa Phát xử lý sạch và tái sử dụng, nhằm không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Ông Nguyễn Tất Tú Linh, Giám đốc Phát triển dự án của công ty GreenYellow. |
Một kiến khác về xanh hóa trong ngành thép, theo ông Nguyễn Tất Tú Linh, Giám đốc Phát triển dự án của công ty GreenYellow - đối tác chuyển đổi năng lượng của Pháp, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng điện mặt trời thay thế cho sử dụng điện hóa thạch. GreenYellow là công ty chuyên về sản xuất điện mặt trời phi tập trung và các dịch vụ giám sát, lưu trữ và tiết kiệm năng lượng.
Việc này vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mua điện, giúp ổn định sản xuất, vừa giúp bảo vệ mái nhà máy, đáp ứng tiêu chí xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra, điện mặt trời cũng giúp cung cấp chứng chỉ xanh cho các doanh nghiệp. Đây là ưu điểm rất lớn, giúp doanh nghiệp tiếp cận các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ hay Nhật Bản, vốn là những thị trường khó tính và đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường.