Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Saudi Arabia tại Việt Nam Mohammed Ismaeil A. Dahlwy. Ảnh: VGP |
Chiều 29/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Saudi Arabia tại Việt Nam Mohammed Ismaeil A. Dahlwy tới chào xã giao đầu nhiệm kỳ công tác.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao sự tích cực của Đại sứ trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước thời gian qua; tin tưởng Đại sứ sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp cho việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác song phương thời gian qua.
Saudi Arabia hiện là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Trung Đông với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm 2021. Tuy nhiên, dư địa, tiềm năng hợp tác giữa hai nước, đặc biệt về kinh tế, thương mại, đầu tư, còn rất lớn.
Thủ tướng đề nghị hai bên cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Cần tiếp tục củng cố lòng tin chính trị; tăng cường và phối hợp tổ chức tốt các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ chế hợp tác song phương, sớm tổ chức kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Saudi Arabia lần thứ 5 trong năm 2023.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Saudi Arabia với vai trò và ảnh hưởng của mình ủng hộ Việt Nam sớm hoàn tất thủ tục ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Ban Thư ký Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Thủ tướng đề nghị hai bên tạo thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường của nhau. Saudi Arabia tạo điều kiện nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam mà nước này có nhu cầu như gạo, chè, hạt tiêu, cà phê, cao su, hàng dệt may...; dỡ bỏ hoàn toàn lệnh tạm ngừng nhập khẩu hàng thủy sản của Việt Nam mà Saudi Arabia áp đặt từ tháng 1/2018; hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành Halal và tiếp cận thị trường Saudi Arabia và các nước Hồi giáo.
Thủ tướng đề nghị hai bên tạo thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường của nhau. Ảnh: VGP |
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các quỹ đầu tư, các tập đoàn của Saudi Arabia tại Việt Nam; đề nghị hai bên sớm ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư nhằm tạo khuôn khổ pháp lý và môi trường đầu tư thuận lợi cho hợp tác đầu tư giữa hai nước; tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; du lịch; lao động, việc làm...
Đại sứ Saudi Arabia tại Việt Nam Mohammed Ismaeil A. Dahlwy cho biết, phía Saudi Arabia đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan của Việt Nam để triển khai các lĩnh vực hợp tác cụ thể, theo thứ tự ưu tiên.
Đại sứ sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, nhất là các nội dung mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến. Trong đó có việc thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước; thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận đã ký kết và tiến hành đàm phán để ký kết thêm các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, trong đó có hợp tác trong phát triển ngành thực phẩm Halal.
Trước đề nghị của Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy về chính sách visa cho công dân Saudi Arabia, Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ, các bộ, ngành liên quan của Việt Nam đang nghiên cứu, điều chỉnh quy định; tới đây Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét vấn đề này, theo hướng tạo thuận lợi cho người nước ngoài xuất nhập cảnh vào Việt Nam.
Về hợp tác trên các diễn đàn đa phương và khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đại sứ Saudi Arabia đánh giá cao sự phối hợp và ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương và khu vực.
Việt Nam sẵn sàng ủng hộ Saudi Arabia tăng cường quan hệ hợp tác với ASEAN cũng như đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên và theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Saudi Arabia tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, bảo đảm tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới.