Hình ảnh được chụp từ màn hình phát lại tại Trung tâm Kiểm soát Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh (BACC) vào ngày 4/6/2024 cho thấy tàu thăm dò Chang'e-6 đang thu thập các mẫu trên Mặt trăng. |
Trước đó từ ngày 3/5, tàu thăm dò Chang’e-6 đã được Trung Quốc phóng lên Mặt trăng. Ngày 2/6, tàu hạ cánh xuống khu vực được chỉ định ở Lưu vực Nam Cực-Aitken (SPA) ở phía bên kia của Mặt Trăng - một miệng hố va chạm được tạo ra cách đây hơn 4 tỷ năm, sâu 13 km và có đường kính 2.500 km. Đây là miệng hố lâu đời nhất và lớn nhất trên mặt trăng nên có thể cung cấp thông tin sớm nhất về vệ tinh này.
Tới ngày 4/6, hãng tin Tân Hoa Xã dẫn lời Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), cho biết tàu thăm dò cất cánh khỏi bề mặt Mặt trăng lúc 7h38 sáng ngày 4/6 theo giờ Bắc Kinh và đã đi vào quỹ đạo định sẵn quanh vệ tinh này sau khi hoàn thành các nhiệm vụ khoa học.
Trong những ngày tới, sứ mệnh Chang’e-6 dự kiến sẽ quay trở lại quanh quỹ đạo Mặt trăng và chờ thời điểm tối ưu để chuyển các mẫu vật trở lại Trái đất. CNSA cho biết một khi đến được gần Trái đất, sứ mệnh này sẽ mang theo các mẫu vật thu được từ Mặt trăng xâm nhập bầu khí quyển và hạ cánh xuống khu vực Siziwang Banner ở Khu tự trị Nội Mông phía bắc Trung Quốc.
Trong quá trình ở trên bề mặt Mặt trăng, CNSA cho biết Chang’e-6 đã hoàn thành công việc lấy mẫu và lưu trữ các mẫu vật theo đúng kế hoạch. Tàu thăm dò đã áp dụng 2 phương pháp lấy mẫu đất Mặt trăng, bao gồm sử dụng máy khoan để thu thập các mẫu dưới bề mặt và lấy mẫu trên bề mặt bằng cánh tay robot. Các mẫu vật đa dạng được tự động thu thập tại các địa điểm khác nhau.
Tuyên bố của CNSA cũng cho biết các thiết bị khác được lắp đặt trên tàu thăm dò bao gồm camera hạ cánh, camera toàn cảnh, máy dò cấu trúc đất mặt trăng và máy phân tích phổ khoáng sản mặt trăng, cũng đều hoạt động tốt và thực hiện thăm dò khoa học theo kế hoạch.
Các thiết bị quốc tế, trong đó bao gồm Negative Ions on the Lunar Surface (NILS) do Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA)/Thụy Điển phát triển và Detection of Outgassing RadoN (DORN) được phát triển bởi Pháp cũng đã hoạt động tốt và thực hiện các nhiệm vụ khoa học được giao phó.
Nhận định về vai trò của các mẫu đất tàu thăm dò thu được, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Ge Ping, người phát ngôn của sứ mệnh Chang'e-6, cho biết thông qua phân tích chi tiết cấu trúc đất, tính chất vật lý và thành phần vật chất, các nhà khoa học sẽ có thể nghiên cứu sâu hơn về sự hình thành và lịch sử tiến hóa của mặt trăng, nguồn gốc của hệ mặt trời và các câu hỏi khác, từ đó đặt nền tảng hoàn thiện hơn cho các sứ mệnh khám phá sau này của Trung Quốc.