Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị. |
Ngày 4/4 tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã diễn ra hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.
Tại Hội thảo, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, tỉnh Đắk Lắk cho biết so với giai đoạn 2012 - 2016, số vụ vi phạm giảm hơn 44,5 %, trong đó số vụ phá rừng trái pháp luật giảm 31,2%; vận chuyển, mua bán trái phép động vật rừng, gỗ, lâm sản giảm 49,4%; các vi phạm khác giảm 30,2%...
Công tác trồng rừng giai đoạn 2017 - 2022, tỉnh trồng được 12.405 ha (cả trồng rừng mới và trồng lại rừng sau khai thác). Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh đã chi trả cho các hộ dân, chủ rừng trên địa bàn hơn 488 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch), góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tỉnh Đắk Lắk cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế như một số cơ quan chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng; một số chủ rừng năng lực còn hạn chế; tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp; hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp sau sắp xếp gặp rất nhiều khó khăn và kém hiệu quả…
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết Trung ương đã đề ra mục tiêu giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045 tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, riêng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 47%; đến năm 2045, trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.
Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị 13 của Ban Bí thư. Trong đó, cần quan tâm hơn nữa đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các vụ việc liên quan đến vi phạm pháp luật về rừng.
Tỉnh Đắk Lắk cần thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đánh giá đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Đưa ra những đánh giá, dự báo tình hình, nhận diện những thách thức và nguy cơ trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững theo các chứng nhận chuẩn quốc tế, tín chỉ cacbon.
Đặc biệt, với những lợi thế về diện tích rừng tự nhiên, đa dạng sinh học, Đắk Lắk có thể hướng đến phát triển kinh tế bền vững từ rừng, sản xuất, canh tác nông nghiệp hữu cơ theo phương thức phát triển của hệ sinh thái rừng Tây Nguyên.