Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang xem sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Halal. Ảnh: VGP |
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ nhằm phòng, chống dịch bệnh một cách chủ động mà còn giúp sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng đòi hỏi về sự công khai, minh bạch về chuỗi sản xuất chăn nuôi từ con giống, thức ăn, phòng bệnh, sơ chế, chế biến… theo quy định tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Vùng an toàn dịch bệnh là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất động vật, chế biến các sản phẩm từ động vật an tâm sản xuất, kinh doanh và cũng là nơi được các doanh nghiệp khác ưu tiên lựa chọn đầu tư, nhất là những nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao, có liên kết chuỗi và hướng đến xuất khẩu.
Theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), khi xuất khẩu động vật và các sản phẩm từ động vật, các trang trại chăn nuôi buộc phải tuân thủ các quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh. Vì vậy muốn hướng tới xuất khẩu thì buộc phải tuân thủ các quy định này như Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long thông tin tại sự kiện.
Vùng an toàn dịch bệnh đã được Bộ NN&PTNT và các tỉnh triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Đến nay, các sản phẩm thịt lợn đã xuất sang các thị trường như Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc); thịt gà đã xuất đi Nhật Bản.
Tính đến hết năm 2023, tổng đàn gia cầm của tỉnh Tây Ninh khoảng 10 triệu con, sản lượng thịt đạt 62.460 tấn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 116 trang trại chăn nuôi gia cầm với tổng đàn khoảng 9 triệu con. Trong đó, có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP; huyện Dương Minh Châu và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Tỉnh có hai doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, gồm công ty TNHH QL Vietnam Agroresources xuất khẩu trứng gà sang Hong Kong và Malpes; công ty Vinamilk xuất khẩu sang 60 quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, châu Đại Dương, các nước Đông Nam Á…
Tỉnh Tây Ninh xác định việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh là một nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Do vậy, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức lại các khâu sản xuất, đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hoá thị trường tiêu thụ, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao.
Theo Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Hoàng gia De Hues (Hà Lan) Gabor Fluit, muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải có đất rộng; phải xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh; đồng thời phải có sự hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Gabor Fluit đánh giá Tây Ninh đáp ứng được các tiêu chí trên, đặc biệt ông rất ấn tượng với sự chào đón, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Nếu làm tốt vùng an toàn dịch bệnh, Việt Nam có thể xuất khẩu được thịt lợn qua Nhật, Hàn Quốc, thậm chí có thể xuất khẩu ức gà sang châu Âu. Hiện giá trị ức gà châu Âu cao gấp 2 - 3 lần ở Việt Nam, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã dự Lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030 và dự Lễ khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN tại huyện Tân Châu.
Bảy dự án trọng điểm tổ hợp Khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh do Tập đoàn Hùng Nhơn làm chủ đầu tư, gồm dự án Tổ hợp nhà máy chế biến thực phẩm DHP tại thị xã Trảng Bàng và 6 dự án nhà máy Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN tại huyện Tân Châu, với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh và 7 dự án trọng điểm chuỗi tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao HDN Tây Ninh có thể coi là một mô hình mẫu trong lĩnh vực chăn nuôi.
Việc Tây Ninh thu hút được các nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Hues, Công ty Vinamilk với các dự án định hướng hình thành chuỗi giá trị và liên kết với người dân sẽ là bước đột phát trong phát triển nông nghiệp của tỉnh thời gian tới; mở đường cho sự kết nối quốc tế và chinh phục các thị trường khắt khe, khó tính trên thế giới.
Trong ngành chăn nuôi, hiện Việt Nam đã tham gia đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu thịt gà sang Hàn Quốc, Nhật Bản; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; mật ong sang EU, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Năm 2023, tăng trưởng của ngành chăn nuôi Việt Nam ước đạt 5,72%, đóng góp trên 26% vào GDP nông nghiệp. Tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây.