Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan trong quý 1/2024 đạt 2,6 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan 42 mặt hàng chính. Các mặt hàng lớn nhất thuộc nhóm điện tử, nguyên liệu và phương tiện.
Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất với 296 triệu USD, giảm 39% YoY; tiếp đến là hàng điện gia dụng và linh kiện với 235 triệu USD, tăng 34% YoY; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 206 triệu USD, giảm 5,2% YoY.
Thái Lan hiện là nhà cung cấp ô tô nhập khẩu lớn thứ hai cho Việt Nam (sau Indonesia) với 10.420 chiếc, giảm sâu 50% YoY, kéo tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này còn đạt 203 triệu USD, giảm 51% YoY.
Ngoại trừ năm 2022 Thái Lan đứng sau Indonesia về lượng (Thái Lan đạt 72.003 chiếc, Indonesia đạt 72.671 chiếc), quốc gia này luôn giữ vị trí số một cung cấp ô tô nhập khẩu cho Việt Nam kể từ năm 2013 đến nay.
Trong nhóm 100 triệu USD, Việt Nam còn nhập khẩu kim loại thường khác từ Thái Lan với 161 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước; chất dẻo nguyên liệu với 145 triệu USD, tăng 5,7% YoY; linh kiện và phụ tùng ô tô với 150 triệu USD, giảm 12% YoY.
Trong nhóm hàng nông nghiệp, Việt Nam nhập từ Thái Lan 5 mặt hàng bao gồm sữa và sản phẩm sữa với 13,2 triệu USD, tăng 5,6% YoY; hàng rau quả với 9,8 triệu USD, tăng 16,6% YoY; dầu mỡ động thực vật với 11,7 triệu USD, tăng 48% YoY; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc đạt 14,4 triệu USD, tăng 12,7% YoY. Kim ngạch nhập khẩu ngô lại giảm 51% YoY, còn 4,2 triệu USD.
Lượng nhập khẩu xăng dầu từ Thái Lan giảm từ 208.361 tấn (quý 1/2023) xuống còn 53.281 tấn trong quý này, tương ứng giảm 74% YoY. Điều này đã kéo tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu từ thị trường này giảm 74% YoY, còn 45 triệu USD.
Trong số các mặt hàng lớn, Việt Nam còn nhập khẩu hóa chất từ Thái Lan với 83 triệu USD, giảm 11% YoY; sản phẩm hóa chất với 77,8 triệu USD, giảm 4,8% YoY; sản phẩm từ chất dẻo với 63,3 triệu USD, tăng 9% YoY; vải với 66 triệu USD, tăng nhẹ 0,3% YoY; nguyên phụ liệu dệt may, da giày với 76 triệu USD, tăng 14% YoY.