Bãi phóng tàu vũ trụ thương mại Hải Nam đang được xây dựng ở thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam phía nam Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Tập đoàn thuộc sở hữu Nhà nước CASC sẽ chịu trách nhiệm tiến hành các sứ mệnh bay đầu tiên của tên lửa Trường Chinh - 12, đồng thời hoàn thành 2 sứ mệnh liên quan tới tàu vũ trụ chở hàng, 2 sứ mệnh phóng có phi hành đoàn cũng như 2 sứ mệnh đưa phi hành đoàn trở về từ trạm vũ trụ của Trung Quốc.
Tên lửa Trường Chinh - 12 là phương tiện phóng nhiên liệu lỏng giai đoạn một lõi đầu tiên của Trung Quốc có đường kính 3,8m. Nó có cấu hình hai giai đoạn được vận hành bởi 6 động cơ oxy/dầu hỏa lỏng. Tên lửa mới này được thiết kế với sức chở không dưới 10 tấn trên quỹ đạo gần Trái đất và không dưới 6 tấn trên quỹ đạo đồng bộ mặt trời 700 km. Điều này sẽ giúp cải thiện khả năng vận chuyển của Trung Quốc trong khu vực các vệ tinh quỹ đạo thấp và quỹ đạo đồng bộ mặt trời.
Tên lửa Trường Chinh-12 sẽ được phóng tại địa điểm phóng tàu vũ trụ thương mại đầu tiên của nước này hiện đang được xây dựng tại thành phố Văn Xương, thuộc tỉnh đảo Hải Nam phía nam Trung Quốc.
Ngoài ra, danh sách các sứ mệnh không gian năm 2024 của CASC còn bao gồm các vụ phóng một vệ tinh quan sát độ mặn của đại dương, một vệ tinh giám sát điện từ và một tàu thăm dò thiên văn do Trung Quốc và Pháp đồng phát triển. Trong năm nay, CASC đang có kế hoạch liên tục thúc đẩy phát triển hơn 200 tàu vũ trụ khác nhau, bao gồm tàu vũ trụ có người lái thế hệ mới, tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga-7, tàu thăm dò Tianwen-2 để lấy mẫu tiểu hành tinh và một số loại tàu khác.
Riêng trong nửa đầu năm 2024, Trung Quốc chuẩn bị phóng Queqiao-2, một vệ tinh chuyển tiếp liên lạc giữa Mặt trăng và Trái đất cùng với tàu thăm dò mặt trăng Chang'e-6, một sứ mệnh nhằm thu thập các mẫu vật từ phía bên kia của Mặt trăng. Nếu thành công, đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người một sứ mệnh nghiên cứu như thế này được thực hiện.
Theo các thông tin ban đầu được Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc công bố, các thiết bị khoa học từ Pháp, Italy và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu/Thụy Điển sẽ được đưa lên tàu đổ bộ của sứ mệnh Chang'e-6.
Trước đó trong cả năm 2023, Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng 67 sứ mệnh không gian và đưa 211 thiết bị vũ trụ vào không gian, thiết lập kỷ lục và đưa nước này trở thành nước có số vụ phóng nhiều thứ hai trên thế giới.