Ảnh minh họa: Thảo Ngân. |
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/5, trong 5 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Cục Du lịch quốc gia đánh giá kết quả này là nhờ vào chính sách thị thực thuận lợi cùng các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ.
Về quy mô thị trường, trong Top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với trên 1,9 triệu lượt khách (chiếm 25,7%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2 với 1,6 triệu lượt khách (chiếm 21,2%).
Ở vị trí thứ 3 là Đài Loan (Trung Quốc) với 529.000 lượt khách, Mỹ ở vị trí thứ 4 với 350.000 lượt khách, Nhật Bản ở vị trí thứ 5 với 289.000 lượt khách. Các vị trí tiếp theo là Malaysia với 214.000 lượt khách, Australia 213.000 lượt khách, Thái Lan 198.000 lượt khách, Campuchia 197.000 lượt khách và Ấn Độ 196.000 lượt khách.
Nếu tính riêng trong tháng 5, lượng khách Trung Quốc đã vươn lên đầu bảng xếp hạng các thị trường gửi khách đến Việt Nam với 357.000 lượt, trong khi thị trường Hàn Quốc xếp thứ hai với 351.000 lượt.
Về động lực tăng trưởng lượng khách, thị trường châu Á có mức tăng trưởng rất tốt (tăng 73%) trong đó động lực chính từ khu vực Đông Bắc Á với Trung Quốc (+302,3%), Hàn Quốc (+48,1%), Nhật Bản (+41,7%), Đài Loan (+110,1%).
Bên cạnh đó, các thị trường Đông Nam Á tăng trưởng tốt, như Indonesia (+117,8%), Philippines (+54,1%), Malaysia (+11,9%), Campuchia (+17,7%), Singapore (+10,1%). Chỉ có thị trường Thái Lan giảm 16,4%. Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 39,2%; Australia (+ 35,4%).
Các thị trường châu Âu tiếp tục tăng trưởng tốt (+57,1%). Hầu hết các thị trường đều rất khả quan, trong đó có các thị trường chính như Anh (+31,6%), Pháp (+39,5%), Đức (+34,6%). Bên cạnh đó là Italia (+72,8%), Tây Ban Nha (+45,5%), Nga (+75,0%), Thụy Điển (+34,7%), Thụy Sỹ (+30,9%), Đan Mạch (+36,0%), Bỉ (+32,6%), Na Uy (+36,6%)...
Trong tổng số gần 7,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng qua, khách đến bằng đường hàng không chiếm 83,7%; đường bộ chiếm 14,2% và đường biển chiếm 2,1%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 296.300 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 24.200 tỷ đồng, tăng 45,1%. Doanh thu du lịch lữ hành của một số địa phương tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước gồm Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh...
Cục Du lịch Quốc gia đánh giá thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, việc lượng khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm nay đã cao hơn 3,9% so với thời điểm trước dịch bệnh là minh chứng cho thấy hiệu quả trong công cuộc phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam.
Dù kết quả đón khách quốc tế khá tích cực nhưng vừa qua, tại báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2024 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam đã giảm 3 bậc (so với năm 2021), xếp hạng 59/119 nền kinh tế (đạt 3,96 điểm).
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5 sau Singapore (hạng 13), Indonesia (22), Malaysia (35), Thái Lan (47). Việt Nam xếp trên Philippines (69), Campuchia (86), Lào (91). Brunei không có trong danh sách xếp hạng.
WEF cho biết năm 2024 đơn vị này tính toán lại điểm số và xếp hạng Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu theo bộ chỉ số mới. Theo khung đánh giá mới, nhiều quốc gia trong khu vực bị tụt hạng như Thái Lan giảm 12 bậc, Singapore giảm 4 bậc, Malaysia giảm 2 bậc, Campuchia giảm một bậc, Indonesia, Lào giữ nguyên hạng, Philippines tăng một bậc.