Ngành công nghiệp bán dẫn được xem là một thị trường bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian qua, đặc biệt là thời kỳ đại dịch với doanh số bán hàng và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành đạt mức đỉnh. Tuy nhiên, sự bùng nổ này dường như đang có xu hướng chững lại khi các nhà sản xuất chip đang đối mặt với vấn đề hàng tồn kho ngày càng tăng trong khi nhu cầu càng thu hẹp.
Cùng với đó là những hạn chế mới của Mỹ đối với xuất khẩu chip sang Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Các báo cáo lợi nhuận gần đây đã cho thấy một bức tranh ảm đạm trong toàn ngành bán dẫn trên toàn cầu. Trong quý III/2022, lợi nhuận ròng của Intel đã giảm 85% so với cùng kỳ năm ngoái và nguyên nhân chủ yếu là do doanh số bán hàng giảm 20%.
Theo Nikkei Asia, ông Pat Gelsinger, Giám đốc điều hành Intel chia sẻ, nhu cầu sụt giảm đột ngột đã vượt quá dự đoán ban đầu của công ty và điều này hiện đang tác động đến chuỗi cung ứng điện tử toàn ngành. "Thật khó để nhìn thấy bất kỳ điểm sáng nào trong tương lai", ông Gelsinger nhận định.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao cùng với nền kinh tế của Trung Quốc chậm lại sau khi áp dụng chiến lược "zero-Covid" đã khiến cho nhu cầu máy tính cá nhân, điện thoại thông minh đã giảm sút. Ngay cả các trung tâm dữ liệu và thiết bị cầm tay cao cấp, vốn vẫn tăng trưởng mạnh mẽ cũng đang chứng kiến một sự sụt giảm.
Nhu cầu giảm đối với các thiết bị điện tử đã ảnh hưởng đến các công ty chip nhớ nhiều hơn so với các nhà sản xuất bộ xử lý như Intel, bởi số lượng chip được sử dụng trong một thiết bị lớn hơn. Điển hình như, thu nhập ròng của Western Digital, nhà sản xuất ổ đĩa cứng lớn nhất thế giới đã giảm mạnh 96% so với cùng kỳ năm trước. Công ty điện tử Samsung Electronics cũng chứng kiến lợi nhuận hoạt động trong mảng bán dẫn giảm 49%.
Lĩnh vực bán dẫn đóng vai trò như một thước đo cho nền kinh tế toàn cầu bởi cần phải mất nhiều tháng để chế tạo ra chip. Sự sụt giảm đột ngột trong lĩnh vực này cho thấy rõ ràng một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn thế giới đang diễn ra.
Cuộc chiến thống trị ngành công nghiệp bán dẫn đã dẫn đến nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu thì ngày càng ít đi đã khiến thị trường chip gặp khủng hoảng. Trong một báo cáo hồi tháng 9 vừa qua, Giám đốc điều hành của Micron Technology là Sanjay Mehrotra tiết lộ rằng, lượng hàng tồn kho của công ty đang lớn chưa từng thấy.
Động thái này đã khiến giá chip của các công ty công nghệ và điện tử đi xuống. Nikkei Asia dẫn số liệu của TrendForce cho biết, trong quý III này, giá bộ nhớ flash đã giảm 13% đến 18% so với quý trước và bộ nhớ DRAM ngắn hạn cũng giảm từ 10% đến 15%.
Một điểm sáng hiếm hoi giữa thị trường bán dẫn ảm đạm là TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới với lợi nhuận ròng tăng vọt 80% trong quý 3/2022, phần lớn nhờ chip 5 nanomet tiên tiến độc quyền vốn đang có nhu cầu rộng rãi trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhu cầu về chip 7 nanomet cũ hơn đã giảm xuống.
Cơ quan Thống kê Thương mại chất bán dẫn thế giới (WSTS) hồi tháng 8/2022 đã giảm dự báo tăng trưởng cho thị trường bán dẫn toàn cầu xuống khoảng 2,4 điểm phần trăm là 13,9% trong năm nay và 0,5 điểm phần trăm, xuống 4,6% trong năm 2023. Tuy nhiên, công ty nghiên cứu Omdia của Anh đã đưa ra triển vọng ảm đạm hơn với mức tăng trưởng của thị trường dự đoán sẽ giảm còn 0,2% vào năm 2023.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc như đang “giội thêm gáo nước lạnh” vào thị trường bán dẫn này. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ yêu cầu các công ty trong nước phải có giấy phép trước khi xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến hoặc máy móc được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc. Thêm nữa, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã mở rộng phạm vi các các sản phẩm phải tuân theo lệnh hạn chế trên.
Động thái này của Mỹ đã bắt đầu ảnh hưởng đến thu nhập của hàng loạt công ty. Applied Materials, nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip của Mỹ với tệp khách hàng chủ yếu là Trung Quốc cho biết doanh thu của công ty dự đoán sẽ chỉ đạt trong từ 250 triệu USD đến 550 triệu USD trong quý kết thúc vào tháng 10/2022, do chịu ảnh hưởng từ các quy định xuất khẩu mới.
Điều này buộc các công ty bán dẫn phải xem xét để thu hẹp lại chi phí đầu tư, thiết bị chip và hơn nữa, các ngành công nghiệp vật liệu có nguy cơ phải đối mặt với nhiều làn sóng dữ dội hơn trong thời gian tới.