Thêm một công ty bảo hiểm ghi nhận lợi nhuận giảm so với năm 2021

BẢO HIỂM BIDV
17:21 - 31/01/2023
Thêm một công ty bảo hiểm ghi nhận lợi nhuận giảm so với năm 2021
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, Bảo hiểm BIDV đạt 393 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do mức tăng của các loại chi phí lớn hơn mức tăng của doanh thu. 

Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Bảo hiểm BIDV, HoSE: BIC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2022. Theo đó, quý 4/2022, BIC ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 722 tỷ đồng tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm đạt gần 998 tỷ đồng, tăng 23%. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng tới hơn 43% lên 572 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 77% lên hơn 147 tỷ đồng, chi phí hoạt động tài chính chỉ bằng 26% cùng kỳ, giảm xuống còn hơn 5,1 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 13% xuống hơn 138 tỷ đồng. Sau khi giảm trừ các loại chi phí, quý 4/2022, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 154 tỷ đồng, tăng 10% so với quý 4/2021.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Bảo hiểm BIDV đạt 2.651 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm đạt 3.618 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 24% so với kết quả của năm 2021. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 2.082 tỷ đồng, tăng 39%

Doanh thu hoạt động tài chính đạt 395 tỷ đồng, tăng 14%. Chi phí hoạt động tài chính đạt 38 tỷ đồng, tăng tới 58%. Tính đến hết năm 2022 lợi nhuận trước thuế của BIC đạt hơn 393 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nội dung điều chỉnh tại phiên họp ngày 29/11, BIC đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm là 3.410 tỷ đồng và 385 tỷ lợi nhuận trước thuế hợp nhất.

Như vậy, đến hết năm 2022, Bảo hiểm BIDV đã vượt 6% kế hoạch doanh thu và 2% kế hoạch lợi nhuận.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Bảo hiểm BIDV đã tăng 9% lên gần 6.592 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền và các khoản tương đương tiền đã giảm nhẹ hơn 1 tỷ đồng, từ 30,5 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 28,9 tỷ đồng ngày 31/12/2022. Khoản tài sản tái bảo hiểm đạt 934 tỷ đồng, tăng 6%,

Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 4.146 tỷ đồng, tăng 12% so với con số đầu năm. Còn khoản đầu tư tài chính dài hạn giảm nhẹ 2% xuống còn 719 tỷ đồng.

Nợ phải trả của công ty tăng 15% lên 4.004 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là khoản dự phòng nghiệp vụ đạt 2.954 tỷ đồng, tăng 16%, khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng 20%, lên gần 600 tỷ đồng...

Trước đó, ngày 5/1/2023, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), BIC nhận định, năm qua, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm gặp nhiều khó khăn, công ty vẫn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh.

Cổ phiếu BIC chứng kiến một đà tăng nhẹ từ vùng giá 25.000 đồng/cp hồi cuối tháng 12/2022. Ảnh: TradingView

Cổ phiếu BIC chứng kiến một đà tăng nhẹ từ vùng giá 25.000 đồng/cp hồi cuối tháng 12/2022. Ảnh: TradingView

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BIC chứng kiến một đà tăng nhẹ từ vùng giá 25.000 đồng/cp hồi cuối tháng 12/2022. Kết phiên ngày 31/1, cổ phiếu tăng mạnh 6,3% và giao dịch ở mức 28.500 đồng/cp, tương đương vốn hóa hơn 3.342 tỷ đồng. Với mức giá này, cổ phiếu BIC chỉ còn thiếu 5% để quay lại mức giá vùng đỉnh ngắn hạn hồi giữa tháng 9/2022 (30.000 đồng/cp) (giá đã điều chỉnh).

Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC) được thành lập năm 1999, tiền thân là Công ty Liên doanh Bảo hiểm Việt Úc, ra đời trên cơ sở hợp tác giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty Bảo hiểm Quốc tế QBE (Úc). BIC hoạt động thông qua ba phân khúc: bảo hiểm tài sản và thương vong, tái bảo hiểm, thẩm định bảo hiểm và đầu tư tài chính. Năm 2008, BIC hợp tác với Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LVB) và Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) thành lập Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (LVI).

Tin liên quan

Đọc tiếp