Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã: TPB) ngày 20/6 đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng từ 0,1 - 0,2%/năm. Đáng chú ý, đây là lần thứ hai kể từ đầu tháng, TPBank điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Theo đó, ngân hàng này tăng lãi suất đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng và giữ nguyên mức lãi ở các kỳ hạn dài.
Theo biểu lãi suất mới, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn một tháng tăng 0,1%/năm lên 3,3%/năm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 2 tháng và 3 tháng cùng tăng 0,2%/năm lên 3,5%/năm và 3,6%/năm.
Kỳ hạn 6 tháng tăng 0,2%/năm lên 4,5 %/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng 0,2%/năm lên 4,6%/năm và lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2%/năm lên 5,2%/năm.
TPBank giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn còn lại. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 18 tháng niêm yết ở mức 5,4%/năm. Kỳ hạn từ 24 - 36 tháng đang được niêm yết tại mức 5,7%/năm.
Ngoại trừ TPBank, từ đầu tháng 6 trở lại đây có tới 8 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm 2 lần bao gồm: TPBank, GPBank, VIB, MB, BaoViet Bank, Eximbank, OceanBank và NCB.
Trong khi đó, đã có tổng cộng hơn 20 ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiết kiệm bao gồm: PVComBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB, VietBank, VietA Bank, VPBank, PGBank, Techcombank.
Mặt bằng lãi suất huy động liên tục tăng trở lại trong 2 tháng gần đây, song lãi suất cho vay vẫn được các ngân hàng duy trì ở mức thấp, với kỳ vọng khơi thông dòng chảy tín dụng.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngày 19/6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo từ nay đến cuối năm tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công khai lãi suất cho vay bình quân.
NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu tại Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế.
Điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.