Lò cao của Thép Pomina đã phải tạm dừng hoạt động từ tháng 9/2022. Ảnh: Thép Pomina |
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 8/8, CTCP Thép Pomina (mã POM) cho biết, doanh nghiệp đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Công ty Thép Nansei - một tập đoàn lớn và uy tín đến từ Nhật Bản vào cuối tháng 7/2024.
Theo POM, sự tái cấu trúc có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược sẽ cung cấp đủ nguyên vật liệu cần thiết để nhà máy Pomina 2 vận hành tối đa công suất vào tháng 9/2024. Đây là mô hình hợp tác từ nguồn nguyên liệu đến thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Song song việc ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Nansei, Thép Pomina còn tiết lộ đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với một nhà đầu tư lớn chuyên nghiệp nhằm mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào năm 2025, đón đầu xu hướng đầu tư công và sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản.
Thép Pomina được thành lập từ năm 1999, sở hữu ba nhà máy sản xuất tại Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành thép với doanh thu giai đoạn năm 2010-2023 quanh ngưỡng 10.000 tỷ đồng, đỉnh điểm là năm 2021 với 14.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức khỏe tài chính của Pomina bị bào mòn nghiêm trọng. Công ty lỗ nặng hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2022 và tiếp tục lỗ 958 tỷ đồng trong năm 2023. Trong hai năm này, POM đều kinh doanh dưới giá vốn. Năm 2023, công ty chỉ mang về gần 3.300 tỷ đồng doanh thu, sụt giảm 75% so với năm trước.
Thép Pomina vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024. Trong quý 1/2024, doanh thu của công ty lao dốc 71% so với cùng kỳ năm 2023, xuống còn 471 tỷ đồng. Tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp 6 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí lãi vay tăng 88% lên 145 tỷ đồng. Kết quả, công ty lỗ ròng 225 tỷ đồng và đánh dấu 8 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp.
Pomina đầu tư dự án lò cao vào năm 2019, đến cuối năm 2020 thì đi vào hoạt động, với công suất hệ thống đạt 1 triệu tấn. Đến tháng 3/2021, lò cao đã chạy 80 - 90% công suất. Tuy nhiên đến tháng 9/2022, lò cao phải dừng hoạt động. Tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào đầu tháng 3/2024, ban lãnh đạo POM thừa nhận đã có bước đi sai lầm khi bắt đầu thực hiện dự án lò cao vào đúng dịch Covid-19, không đưa được chuyên gia từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp máy, xây dựng khiến tất cả chi phí tăng lên rất lớn. Sau đó, thị trường bất động sản nguội lạnh, nhu cầu thép xây dựng xuống rất thấp kéo giá thép về mức đáy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng sa sút. |
Không chỉ kết quả kinh doanh bết bát, Thép Pomina còn khiến cổ đông phiền lòng khi bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) huỷ niêm yết bắt buộc từ ngày 10/5/2024. Nguyên nhân là do công ty vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm trong ba năm liên tiếp.
Gần 280 triệu cổ phiếu POM sau đó đã được chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 23/5/2024. Tuy nhiên do chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 nên nên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tiếp tục đưa mã này vào danh sách hạn chế giao dịch kể từ ngày 23/5, chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.
Trong báo cáo giải trình biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch sau đó, doanh nghiệp cam kết sẽ công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 chậm nhất trước ngày 20/6/2024. Tuy nhiên đến nay, POM vẫn chưa công bố báo cáo này.
Tuy nhiên, nhờ thông tin tích cực từ việc có đối tác chiến lược, cổ phiếu POM phiên thứ Sáu (9/8) đã tăng trần từ sớm, lên mức giá 2.700 đồng/cp.
Pomina đầu tư gần 5.880 tỷ đồng vào dự án lò cao tại chi nhánh Pomina 3 |
Phương án tái cấu trúc của Thép Pomina: thành lập pháp nhân mới |
ĐHĐCĐ Pomina: Danh tính nhà đầu tư mới vẫn là ẩn số |