Chưa công bố danh tính nhà đầu tư chiến lược mới
Một trong những nội dung được mong chờ tại ĐHĐCĐ lần này là danh tính nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, đại diện Pomina cho biết hai bên vẫn đang đàm phán để đi đến bước cuối cùng. Nên nhà đầu tư chưa muốn công khai danh tính. Dự kiến, thông tin này sẽ được công bố tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào cuối tháng 4/2024.
Theo kế hoạch tái cơ cấu trình cổ đông, Thép Pomina và nhà đầu tư mới sẽ cùng góp vốn thành lập CTCP Pomina Phú Mỹ, với vốn điều lệ khoảng 2.700 - 2.800 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng khoảng 4.000 tỷ đồng và sẽ được sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối của Pomina.
Thép Pomina không nắm quyền kiểm soát công ty mới này, khi chỉ góp 35% vốn điều lệ với vốn góp khoảng 900 - 1.000 tỷ đồng. Còn nhà đầu tư góp 65% vốn điều lệ, tương đương khoảng 1.800 - 1.900 tỷ đồng.
Thép Pomina sẽ góp vốn bằng hiện vật là toàn bộ nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3. Còn nhà đầu tư mới góp bằng tiền.
Nhà đầu tư đầu tư chiến lược mới chỉ chịu trách nhiệm đối với CTCP Pomina Phú Mỹ, không chịu trách nhiệm các nghĩa vụ liên quan tới Thép Pomina.
Với thương vụ này, Thép Pomina dự kiến đàm phán sát nhập CTCP Pomina 2 vào CTCP Pomina Phú Mỹ để tận dụng ưu thế lò cao, giảm chi phí sản xuất, đồng thời sẽ chấm dứt đăng ký kinh doanh của hai đơn vị là Pomina 1 và Pomina 3.
Thép Pomina dự kiến thu về tối đa 5.800 tỷ đồng sau khi góp vốn 2 nhà máy
Tuy nhiên, theo Thép Pomina, do giá trị của 2 nhà máy dự kiến đưa vào vốn góp thành lập CTCP Pomina Phú Mỹ là Pomina 1 và Pomina 3 rất lớn so với số vốn góp nên công ty mong muốn thu hồi tiền mặt từ nhà đầu tư đối tác.
Cụ thể, tổng giá trị 2 nhà máy kể trên, theo kết quả định giá tài sản của Công ty Kiểm toán AFC và Savills là 6.694 tỷ đồng (chưa gồm 10% VAT), trong đó, giá trị nhà máy Pomina 1 tại Bình Dương là 336,4 tỷ đồng, giá trị nhà máy Pomina 3 tại Phú Mỹ là 6.357,6 tỷ đồng.
Như vậy, Thép Pomina tính toán tổng giá trị 2 nhà máy kể trên sẽ rơi vào khoảng 6.000 - 6.800 tỷ đồng, sau khi trừ đi số vốn góp của Pomina là 900 - 1.000 tỷ đồng, công ty kỳ vọng thu về 5.100 - 5.800 tỷ đồng.
Số tiền này sẽ được Thép Pomina sử dụng để thanh toán các khoản nợ hiện hữu của doanh nghiệp và để bổ sung vốn lưu động. Trong đó, Thép Pomina sẽ trả 3.757 tỷ đồng nợ ngân hàng và 1.343 tỷ đồng nợ các nhà cung cấp.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2023, ở thời điểm cuối năm 2023, Thép Pomina có khoảng 8.810 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó, khoản phải trả người bán ngắn hạn là 1.616 tỷ đồng, khoản nợ ngân hàng ngắn hạn là 5.466 tỷ đồng, nợ ngân hàng dài hạn là gần 846 tỷ đồng.
Doanh thu của pháp nhân mới có thể đạt từ 14.000 - 15.000 tỷ đồng/năm
Ngoài ra, tại cuộc họp, HĐQT cũng xin ý kiến cổ đông thông qua việc nâng mức đầu tư trên sổ sách của dự án lò cao tại chi nhánh Pomina 3 từ mức đã được thông qua năm 2020 là 4,975 tỷ đồng lên gần 5.880 tỷ đồng. Đây là tổng vốn đầu tư thực tế của dự án lò cao, theo kết quả kiểm toán của Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam, ký ngày 2/3/2023. Việc phê duyệt này nhằm giúp Thép Pomina đủ cơ sở để hoàn thành các thủ tục của dự án.
Theo Chủ tịch Thép Pomina Đỗ Duy Thái, khi nhà máy mới chạy hết công suất, sản lượng hàng năm đạt từ 900.000 - 1 triệu tấn, tương ứng, doanh thu của Pomina Phú Mỹ có thể lên tới 14.000 - 15.000 tỷ đồng/năm.
Chia sẻ về tiềm năng ngành thép hiện nay, ông Thái cho rằng dù có động lực từ đầu tư công, nhưng bất động sản vẫn khó khăn, khiến thị trường thép hồi phục chậm. Theo đánh giá của nhiều bên, dự báo ngành thép sẽ hồi phục mạnh vào cuối năm 2024. Do đó, Thép Pomina đang cố gắng tái cấu trúc, đưa lò cao vào hoạt động trong quý 3 nhằm đón đà hồi phục của bất động sản trong quý 4/2024.