Thép Pomina lỗ kỷ lục trong 9 tháng năm 2022

Pomina Ngành Thép
08:10 - 30/10/2022
Thép Pomina lỗ kỷ lục trong 9 tháng năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Biến động khó lường của thị trường đẩy giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu, khiến Thép Pomina ghi nhận mức lỗ kỷ lục 708 tỷ đồng trong 9 tháng. 

Ngày 29/10, CTCP Thép Pomina (HoSE: POM) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, trong đó doanh thu thuần đạt gần 2.978 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính của Thép Pomina gần như đi ngang quanh mức 17 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính tăng mạnh 42% lên 119 tỷ đồng. Kết quả, Thép Pomina ghi nhận lỗ lần lượt là 714,8 tỷ và 715,6 tỷ đồng trước thuế và sau thuế, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 3,5 tỷ đồng sau thuế.

Lũy kế 9 tháng doanh thu thuần của Thép Pomina đạt 11.132 tỷ đồng tăng 16%, giá vốn hàng bán cũng tăng 27% lên 11.352 tỷ đồng. Hết 9 tháng, công ty ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 708 tỷ đồng sau thuế. Trong ngành thép, hiện mức lỗ này chỉ đứng sau 2 "ông lớn" là Hòa Phát và Hoa Sen Group.

Kỳ vọng vào đà tăng của giá bán thép trong năm 2022, Pomina đặt mục tiêu lớn với doanh thu thuần đạt 15.000 tỷ đồng, tăng 7%, lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, gấp 2,1 lần thực hiện năm 2021. Tuy nhiên, biến động thị trường đã khiến giá vốn hàng bán tăng cao hơn doanh thu nên hết quý III, dù đã hoàn thành 74,2% kế hoạch doanh thu nhưng năm nay, POM khó có thể hoàn thành mục tiêu lợi nhuận.

Tại thời điểm 30/09/2022, quy mô tổng tài sản của Thép Pomina ở mức 11.736 tỷ đồng, giảm gần 22% so với thời điểm đầu năm. Trong đó khoản khoản phải thu ngắn hạn giảm 14% xuống còn 2.256 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 35% xuống còn 3.085 tỷ đồng.

Tài sản dài hạn giảm 13% xuống còn 5.378 tỷ đồng, tài sản cố định giảm tới 43% còn 1.685 tỷ đồng. Riêng khoản chi phí xây dựng dở dang tăng 9% lên 3.413 tỷ đồng, chủ yếu là khoản chi phí xây dựng lò cao và là EAF.

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả giảm 23% so với thời điểm đầu năm xuống 8.725 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn chiếm 7.515 tỷ đồng, trong đó phần lớn là 5.526 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và 1.799 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn. Trong khi khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn chỉ đạt 28 tỷ đồng, kém xa con số 518 tỷ đồng hồi đầu năm.

Nợ dài hạn của POM là 1.210 tỷ đồng với 71,8% là nợ vay tài chính dài hạn, bao gồm 705 tỷ đồng vay ngân hàng để xây dựng dự án lò cao thuộc Nhà máy luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm tại KCN Phú Mỹ 1.

Cổ phiếu POM đã chứng kiến một đà tăng mạnh hồi đầu tháng 11/2020 từ vùng giá 5.000 đồng/cp lên vùng đỉnh 20.250 đồng/cp ngày 11/5/2021, sau đó sụt giảm mạnh. Ảnh: TradingView

Cổ phiếu POM đã chứng kiến một đà tăng mạnh hồi đầu tháng 11/2020 từ vùng giá 5.000 đồng/cp lên vùng đỉnh 20.250 đồng/cp ngày 11/5/2021, sau đó sụt giảm mạnh. Ảnh: TradingView

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu POM đã chứng kiến một đà tăng mạnh hồi đầu tháng 11/2020 từ vùng giá 5.000 đồng/cp lên vùng đỉnh 20.250 đồng/cp ngày 11/5/2021, sau đó sụt giảm mạnh. Kết phiên giao dịch ngày 28/10, cổ phiếu POM giảm 2.2% giao dịch ở mức 4.400 đồng/cp, tương đương vốn hóa 1.230,6 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp