Tại nhiều nước Châu Phi, ngành công nghiệp dệt may còn chưa phát triển dù có nguồn bông nguyên liệu dồi dào. Với dân số và thu nhập của người dân Châu Phi ngày càng tăng, lục địa này sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ đầy triển vọng cho mặt hàng dệt may, da giày do thu nhập của người dân được cải thiện, gu thẩm mỹ và sở thích thời trang đa dạng.
Tại Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam - Châu Phi 2022 diễn ra vào ngày 14-15/4, ông Mohamed Kassem - Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu Ai Cập bày tỏ mong muốn Việt Nam và các nước Châu Phi sẽ hợp tác để cùng tạo ra các trung tâm thời trang lớn, thu hút nhiều các doanh nghiệp thời trang tham gia.
"Doanh nghiệp Việt Nam và Ai Cập đã có những cơ hội hợp tác song phương. Đặc biệt, Ai Cập có lợi thế về thương mại với những quốc gia khác ở Châu Phi, hưởng lợi ích từ FTA với Châu Âu cũng như FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Điều này tạo ra điểm tiếp cận thị trường rất tốt cho các doanh nghiệp Việt," ông Kassem nhận định.
Nhiều dư địa nhưng vẫn hạn chế về triển vọng xuất khẩu
Trước bối cảnh ngành dệt may phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, cũng như tình hình thế giới có nhiều chuyển biến lớn tác động đến nền kinh tế toàn cầu gây ảnh hưởng tới quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp, ông Kassem cho biết, sản lượng ngành sản xuất và dịch vụ tại Ai Cập trong đó có ngành dệt may đã sụt giảm rất mạnh trong thời gian qua.
Cũng như tại Việt Nam, hiện nay Ai Cập đang hướng đến sự phục hồi, điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới. Ai Cập đã thực hiện các chính sách thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là ngành dệt may, để tạo ra các trung tâm - nơi hội tụ sự hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với nhau.
"Hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ đã mở nhiều cửa hàng ở Ai Cập, thông qua đó tiếp cận các quốc gia khác ở Châu Phi. Tôi hy vọng rằng các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục khai thác cơ hội này để tiếp cận thị trường," ông Kassem bày tỏ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và thị trường Châu Phi đã phát triển từ 2,5 tỷ USD vào năm 2010 lên 6,25 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên đến năm 2021, đại dịch Covid-19 gây nên các đợt giãn cách kéo dài làm ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu hàng dệt may, nên mặc dù kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Châu Phi tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Châu Phi ghi nhận 3,36 tỷ USD, xuất khẩu từ Châu Phi sang Việt Nam đạt 4,71 tỷ USD, nhưng xuất nhập khẩu hàng dệt may giữa Việt Nam và Châu Phi lại giảm so với những năm trước.
Trong đó, nhập khẩu dệt may của Việt Nam vào Châu Phi chỉ đạt 50 triệu USD, giảm 5,2% so với năm 2021 và xuất khẩu từ Châu Phi sang Việt Nam đạt 10 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ.
Dù vẫn có những tăng trưởng đáng kể, nhưng theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - ông Lê Hoàng Tài, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực Châu Phi vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng, đặc biệt là đối với lĩnh vực ngành may mặc, thời trang.
Hiện nay, nhu cầu hàng hóa, trong đó có các mặt hàng tiêu dùng thời trang ở Châu Phi đang tăng lên. Tuy nhiên, chưa có nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng khu vực Châu Phi biết đến các sản phẩm thời trang đa dạng của Việt Nam.
Ngành sản xuất dệt may và da giày tại Việt Nam rất phát triển, đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn với mức độ yêu cầu cao từ nhiều phân khúc thị trường trên thế giới, nhưng mức độ cung ứng cho thị trường khu vực Châu Phi chỉ chiếm số lượng và kim ngạch hết sức hạn chế.
Tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường xuất nhập khẩu cho cả 2 bên
Nhìn nhận về thị trường Ai Cập, ông Nguyễn Duy Hưng - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập cho biết, đây là thị trường hết sức tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cũng như tăng xuất khẩu. Các doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư vào Ai Cập và đầu tư sang thị trường này sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu so sánh với Nigeria.
Tuy nhiên, Ai Cập vẫn tồn tại một số rào cản như phi thuế quan, thuế xuất khẩu các mặt hàng dệt may ở mức khá cao khoảng 40%, giày dép lên tới 60%. Trong khi Việt Nam rất khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ, các hàng xuất khẩu chất lượng từ Châu Âu và trong khu vực họ có các FTA.
Với những rào cản, Thương vụ sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ các thông tin với doanh nghiệp Việt tìm hướng đi khác tại thị trường Ai Cập nói riêng cũng như Châu Phi nói chung.
Các cơ sở kinh doanh sản xuất tại Châu Phi được đầu tư nhà máy, nhân công, điện, giá thành rất tốt. Qua đây, tôi khuyên các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn sang Ai Cập tìm kiếm cơ hội đầu tư, để từ đây có thể xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực Châu Phi.
Đánh giá chung về cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư với ngành thời trang Việt Nam trong bối cảnh mới, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, với 55 quốc gia và dân số hơn 1,2 tỷ người, kinh tế khu vực Châu Phi tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây kéo theo nhu cầu tiêu dùng cũng tăng theo.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định FTA trên thế giới và trong khu vực, vì vậy khi các doanh nghiệp Châu Phi đầu tư vào Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để hưởng lại về thuế. Bên cạnh đó, Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI.
Việt Nam muốn hợp tác cùng các nước Châu Phi trong lĩnh vực sản xuất vải (Ảnh minh hoạ) |
"Trước giờ Việt Nam nhập khẩu chủ yếu vải từ Trung Quốc và đang dần tiến tới nội địa hoá để hưởng lợi theo các quy tắc xuất xứ từ các FTA. Do đó, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp Châu Phi sẽ đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vừa sản xuất vải để hưởng nhiều lợi nhuận cũng như tăng cường hợp tác dài lâu," bà Mai chia sẻ.
Đại diện Hiệp hội Dệt may VITAS cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp châu Phi tham gia đầu tư vào các công đoạn trong chuỗi sản xuất xanh, bền vững các sản phẩm thời trang của Việt Nam để cùng hợp tác, phát triển. Ngược lại, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng có thể tăng nhập khẩu bông nguyên liệu từ Tây Phi, Trung Phi... và nghiên cứu đầu tư sản xuất tại các nước châu Phi để tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu của những nước này.
"Với lượng bông Việt Nam đang nhập từ Tây và Trung Phi, tôi nghĩ sắp tới nếu có cơ hội hợp tác tốt thì chúng ta vẫn có thể tăng cường lượng bông đang nhập từ Châu Phi để Việt Nam cũng như châu lục này có sự hợp tác win - win", bà Mai chia sẻ.
Dù tiềm năng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Châu Phi được đánh giá còn lớn, nhưng các chuyên gia cũng như đại diện thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia Châu Phi khuyến cáo: doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng trong giao thương với đối tác Châu Phi. Tình trạng lừa đảo trong giao dịch đã xảy ra, đối tượng chấp nhận bất cứ giá chào hàng nhập khẩu nào từ doanh nghiệp Việt Nam hoặc đối tượng chào hàng xuất khẩu sang Việt Nam với giá thấp sau đó yêu cầu trả một khoản phí/ đặt cọc rồi chiếm dụng…
Ngoài ra, trong hợp tác với doanh nghiệp Châu Phi, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm tới tập quán kinh doanh, thời gian, đặc biệt là ngôn ngữ để có thể điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.