Ngày 27/12, CNBC dẫn báo cáo mới đây của Canalys cho biết, khách hàng dường như đã sẵn sàng nâng cấp máy tính trong năm 2024.
Theo báo cáo của Canalys, thị trường máy tính cá nhân (PC) sẽ quay lại mức tăng trưởng 8% trong năm tới khi người tiêu dùng muốn thay thế những chiếc máy tính mua từ đợt dịch Covid-19. Cùng với đó, ngày càng xuất hiện nhiều mẫu PC tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Nhà phân tích Ben Caddy của Canalys cho rằng, việc Microsoft sẽ dừng hỗ trợ Windows 10 từ ngày 14/10/2025, phù hợp với chu kỳ 10 năm của hãng. Điều này góp phần thúc đẩy doanh số PC mới.
Hãng nghiên cứu IDC cùng chung quan điểm. Theo IDC, số lượng máy tính PC dự kiến cần được nâng cấp, trùng hợp với nhu cầu cấp bách chuyển sang Windows 11. Thị trường PC có thể tăng trưởng 3,4% vào năm 2024 so với năm nay.
Dữ liệu của IDC chỉ ra năm 2020 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong doanh số PC toàn cầu kể từ năm 2010, được thúc đẩy nhờ xu hướng chuyển dịch làm việc và học tập từ xa.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, các lô hàng PC toàn cầu liên tục sụt giảm do yếu tố vĩ mô bất lợi, thị trường bán lẻ suy yếu và nhu cầu mua sắm giảm, cũng như chuyển dịch trong ngân sách dành cho công nghệ thông tin. Theo số liệu thống kê của IDC, các lô hàng PC trong quý 3/2023 đạt 68,5 triệu chiếc, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia cho rằng, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo sẽ thúc đẩy doanh số PC khi người dùng chủ động tìm kiếm các chức năng trí tuệ nhân tạo để cải thiện hiệu suất làm việc, giải trí. Dự kiến khoảng 60% PC bán ra trong năm 2027 sẽ trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Đơn cử như ngày 14/12 vừa qua, Intel đã chính thức nổ phát súng hiệu cho kỷ nguyên máy tính trí tuệ nhân tạo "AI PC" với Core Ultra có tên là Meteor Lake. Không chỉ tích hợp chip đồ họa Intel Arc GPU với hiệu năng theo Intel là "mạnh như card màn hình rời", Meteor Lake còn là mẫu vi xử lý đầu tiên của Intel được tích hợp bộ xử lý thần kinh (neural processing unit - NPU).
Dòng chip này khởi đầu cho thế hệ PC AI để có thể sử dụng các bước tiến về trí tuệ nhân tạo ngay trên máy tính PC chứ không phải lệ thuộc vào những hệ thống máy chủ lớn hay kết nối điện toán đám mây, trực tuyến.
Ông Pat Gelsinger, Giám đốc điều hành Intel cho biết, tập đoàn có kế hoạch tung ra thị trường hàng chục triệu PC hỗ trợ trí tuệ nhân tạo mới vào năm 2024 và sau đó sẽ mở rộng quy mô lên hàng trăm triệu chiếc.
Theo chuyên trang công nghệ TechSpot, các nhà sản xuất phần cứng và các nhà phát triển phần mềm kỳ vọng máy tính trí tuệ nhân tạo và hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo mới sẽ tạo ra những trải nghiệm điện toán hoàn toàn mới trên nhiều lĩnh vực từ hiệu ứng âm thanh, sáng tạo nội dung, trò chơi điện tử cho tới dịch vụ.
Nếu dự án thành công, thế giới sẽ có khoảng 100 triệu máy tính với năng lực trí tuệ nhân tạo vào năm 2025.
Các loại máy tính trí tuệ nhân tạo khác biệt so với máy tính truyền thống nằm ở các thành phần xử lý như bộ xử lý trung tâm (CPU) hay bộ xử lý đồ họa (GPU) nhằm thực hiện các nhiệm vụ thông minh như học máy (machine learning), xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính. Nhờ thế, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ có thể giải quyết công việc nhanh hơn nhiều lần.