Thị trường hàng không quốc tế còn gặp nhiều khó khăn
Thông tin về tốc độ phục hồi của ngành hàng không sau khi mở cửa du lịch, tại tọa đàm Tháo gỡ khó khăn để ngành hàng không phục hồi và phát triển sau đại dịch do báo Công thương tổ chức ngày 14/11, ông Phạm Thanh Sơn - Phó Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết:
"Năm 2022, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi và thậm chí dự báo vượt 16% so với năm 2019. Thị trường quốc tế hồi phục chậm hơn, phụ thuộc vào tốc độ mở cửa của các quốc gia, dự kiến đạt khoảng 30% so 2019. Cuối tháng 10, thị trường quốc tế đã phục hồi tiệm cận tới 45-47%, đây cũng là tín hiệu tốt cho quá trình phát triển của ngành hàng không".
Về vấn đề thị trường quốc tế, Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng vận tải, Cục Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải) lý giải tốc độ phục hồi chậm: "Hiện lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh, nguồn khách chính của ngành hàng không là khách du lịch vẫn còn rất hạn chế. Các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc còn khó khăn, thị trường Nga gần như đóng băng toàn bộ".
Ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng vận tải, Cục Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải). Ảnh: BTC. |
"Đối với thị trường Trung Quốc sau nhiều nỗ lực, Chính phủ Trung Quốc đã cho phép các chuyến bay trở lại với tần suất 16 chuyến bay/tuần mỗi bên. Dù có cải thiện hơn so với 2 chuyến bay/tuần như trước đây nhưng con số này vẫn như muối bỏ bể so với 2019 vì thời điểm đó chúng ta có 600 chuyến bay/tuần", ông Đăng nói thêm.
Ông cũng cho biết, nền kinh tế thế giới đang đối mặt với khủng hoảng do xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao và thu nhập của người dân bị tác động lớn, do vậy, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu không cần thiết trong đó có nhu cầu du lịch quốc tế. Điều này cũng tác động không nhỏ đến việc phục hồi thị trường hàng không quốc tế Việt Nam.
Thực trạng trên khiến doanh nghiệp hàng không phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình thế giới có nhiều biến động. Về vấn đề này, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chỉ ra: "Khó khăn trước mắt là chúng ta đang phải đối diện với một kinh tế thế giới suy giảm, đặc biệt từ nay đến 2023. Điều này sẽ dẫn tới sự cạnh tranh rất lớn của ngành hàng không, trong khi việc giữ chân khách nội địa cũng là vấn đề đáng lưu tâm".
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. Ảnh: BTC. |
Chính phủ cùng doanh nghiệp chia sẻ khó khăn trong quá trình phục hồi
Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp hàng không phục hồi, nối lại thị trường quốc tế, TS. Võ Trí Thành đề xuất 3 giải pháp mà trọng tâm là Chính phủ cần phải giữ được ổn định và duy trì đà phục hồi của nền kinh tế; tiếp tục có kế hoạch mở cửa bầu trời, kể cả thị trường mới. Tiếp đến là, cần đẩy mạnh quảng bá và cải thiện vấn đề visa.
Cuối cùng là nhìn nhận thông tin từ các quốc gia để có chính sách thu hút thị trường quốc tế hợp lý, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp hàng không, du lịch khai thác thị trường.
"Trong bối cảnh phục hồi này, Nhà nước và doanh nghiệp cần chia sẻ rủi ro với nhau. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Khi làm ăn có lãi doanh nghiệp cần trả lại vốn cho Nhà nước, còn nếu gặp rủi ro thì phải cùng chia sẻ với Nhà nước".
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện Cục hàng không, ông Bùi Minh Đăng khẳng định: "Trong giai đoạn 2020-2021, Cục Hàng không Việt Nam đã tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ để ban hành, thực thi các chính sách, giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là các hãng hàng không. Ví dụ như giảm giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không các năm 2020, 2021; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; hỗ trợ tái cấp vốn cho Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines)".
"Để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, các hãng hàng không cần phải đảm bảo được nguồn tài chính, giữ chân được lực lượng lao động, tổ chức lại bộ máy, sắp xếp lao động theo hướng tinh gọn và nâng cao ứng dụng khoa học, công nghệ. Mạnh dạn cho giải thể, phá sản những đơn vị trực thuộc làm ăn thua lỗ để giảm bớt chi phí về tiền lương, giảm bớt áp lực tài chính".
Ghi nhận những ý kiến đề xuất của các nhà quản lý, đại diện Vietnam Airlines là ông Phạm Thanh Sơn, Phó Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển khẳng định: "Nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không của Nhà nước là hai mặt song hành của quá trình phục hồi ngành hàng không. Tuy nhiên, việc tăng cường vai trò quản lý, điều tiết vĩ mô của Chính phủ là hết sức quan trọng nhằm duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của các doanh nghiệp".
Từ đó, Vietnam Airlines kiến nghị các giải pháp kiểm soát và quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với ngành hàng không như Chính phủ có các giải pháp tham gia điều tiết trong giai đoạn khủng hoảng nhằm cân đối về cung cầu, tránh hiện tượng khủng hoảng dư thừa cung ứng; Giám sát giá bán của các hãng hàng không, đảm bảo giá bán trung bình phải cao hơn giá thành, đảm bảo các hãng hàng không cạnh tranh lành mạnh và bền vững, không triệt tiêu lẫn nhau.
Đại diện Vietnam Airlines cũng nhấn mạnh, nếu các giải pháp đã đưa ra tại các Đề án trình Chính phủ sớm được thông qua, theo dự báo đến năm 2025, Vietnam Airlines tự tin sẽ vượt qua khủng hoảng, phục hồi phát triển mở rộng quy mô và tầm vóc khai thác. Đến năm 2030, Vietnam Airlines sẽ trở thành một hãng hàng không phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh ngang tầm các đối thủ lớn trên thế giới.
Thống kê và dự báo tốc độ phục hồi thị trường vận tải hàng không
Theo Cục hàng không Việt Nam, tổng thị trường vận tải hàng không 10 tháng đầu năm 2022 đạt 45 triệu khách và 1 triệu tấn hàng hóa trong đó vận chuyển nội địa đạt 36,8 triệu khách tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019, vận chuyển quốc tế đạt 8,2 triệu khách, đạt 24% so cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 10, lượng khách quốc tế là 1,4 triệu khách, bằng gần 40% so năm 2019.
Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), phải đến năm 2025, thị trường hàng không thế giới mới hồi phục ở mức như năm 2019. Thị trường vận chuyển nội địa được dự báo sẽ sớm hơn, tuy vậy, không phải tất cả các thị trường hoặc các phân khúc thị trường đều phục hồi như nhau. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tụt hậu trong quá trình phục hồi và dự báo phải đến năm 2024 mới đạt mức 97% so năm 2019.
Thị trường hàng không Việt Nam có triển vọng phát triển khá rõ nét trong thời gian tới, thậm chí có thể là lĩnh vực dẫn đầu làn sóng phục hồi sau dịch với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng.