Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo Phần Lan có thể gia nhập NATO mà không có Thụy Điển

Thụy Điển NATO
08:57 - 30/01/2023
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này có thể đồng ý để Phần Lan gia nhập NATO, nhưng "nói không" với Thụy Điển, trong bối cảnh căng thẳng giữa Ankara và Stockholm gia tăng.

Theo Reuters, trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 29/1, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố: "Chúng tôi có thể gửi thông điệp khác tới Phần Lan (liên quan tới đơn gia nhập NATO) và Thụy Điển sẽ bị sốc khi chứng kiến thông điệp của chúng tôi. Tuy nhiên, Phần Lan không nên mắc sai lầm tương tự Thụy Điển".

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhắc lại điều kiện mà Ankara đưa ra về việc chấp nhận đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan vào tháng 6 năm ngoái.

"Chúng tôi đã đưa cho Thụy Điển danh sách 120 nghi phạm khủng bố và yêu cầu dẫn độ họ. Nếu các ngài không dẫn độ những người này, thì xin lỗi nhé. Nếu thực sự muốn gia nhập NATO, các ngài cần giao nộp những kẻ khủng bố này", ông Erdogan nhấn mạnh.

Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt. Ảnh: Reuters
Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt. Ảnh: Reuters

Năm 2022, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO, chấm dứt thời kỳ trung lập từ hàng chục đến hàng trăm năm qua. Theo quy định, đơn này cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 quốc gia thành viên của NATO. Hiện nay đã có 28 nước chấp thuận việc này. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa phê chuẩn tư cách thành viên của hai nước Bắc Âu.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố phản đối nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, với cáo buộc hai quốc gia này tài trợ cho đảng công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức mà Ankara coi là khủng bố.

Hồi tháng 6/2022, Thụy Điển và Phần Lan ký thỏa thuận 3 bên với Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu thuyết phục Ankara đồng ý để 2 quốc gia trên gia nhập NATO. Stockholm và Helsinki cho biết họ đáp ứng một số yêu cầu của Ankara, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng như vậy là chưa đủ.

Quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển trở nên căng thẳng sau cuộc biểu tình ở Stockholm hôm 21/1, trong đó một chính trị gia cực hữu đã đốt bản sao của kinh Koran - hành động được cho là xúc phạm đối với người Hồi giáo. Ankara sau đó đã đình chỉ các cuộc đàm phán gia nhập NATO với hai nước Bắc Âu.

Chính trị gia cực hữu Thụy Điển Rasmus Paludan đốt một bản sao của kinh Koran tại cuộc biểu tình. Ảnh: IMAGO
Chính trị gia cực hữu Thụy Điển Rasmus Paludan đốt một bản sao của kinh Koran tại cuộc biểu tình. Ảnh: IMAGO

Sự đối đầu giữa Ankara và Stockholm khiến Phần Lan tuần trước ám chỉ rằng nước này có thể phải tìm cách gia nhập NATO mà không có Thụy Điển, dù hai nước đều nhiều lần khẳng định sẽ cùng nhau gia nhập khối quân sự.

"Chúng tôi phải đánh giá tình hình về việc những điều xảy ra về lâu dài có thể ngăn cản nỗ lực của Thụy Điển hay không", Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết. Tuy nhiên, quan chức này cũng nhấn mạnh mục tiêu cùng nhau gia nhập NATO vẫn là "ưu tiên hàng đầu".

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết Stockholm mong muốn khôi phục đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết việc bắt đầu lại các cuộc đàm phán là vô nghĩa. Ông cũng cảnh báo "không có đề nghị đánh giá tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan một cách riêng biệt".

Tin liên quan

Đọc tiếp