Thủ tướng: Đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải

ĐẦU TƯ CÔNG Việt nAM
17:26 - 21/02/2023
Thủ tướng: Đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải
0:00 / 0:00
0:00
Đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sử dụng nguồn vốn dành dụm phải hiệu quả, tránh đầu tư xong lại triệt tiêu nguồn lực.

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, các báo cáo và ý kiến phát biểu đã chỉ ra rất cụ thể các tồn tại, hạn chế, gồm 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.

Lưu ý một số tồn tại, hạn chế cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2022 đạt 93,42% kế hoạch, cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11% kế hoạch).

Trong đó, 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch. Còn nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với tổng số tiền trên 28.600 tỷ đồng.

Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương này, yêu cầu nghiêm túc phân tích nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm, quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với đó, một số vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách chưa điều chỉnh phù hợp yêu cầu thực tiễn; chuyển đổi số trong đầu tư công còn hạn chế. Một số dự án có giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh và nhiều nơi còn thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu; tăng chi phí doanh nghiệp; chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự án còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa có thứ tự ưu tiên dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải.

Tại một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát, cụ thể, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án; năng lực của nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu còn yếu; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư đã dành dụm

Thủ tướng cho biết, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và 3 chương trình mục tiêu quốc gia có vai trò, ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt.

"Đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, chúng ta đã dành dụm để có nguồn vốn thì đầu tư phải có hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tránh đầu tư xong lại triệt tiêu nguồn lực, phải đi kiểm điểm, xử lý", Thủ tướng phát biểu.

Nhấn mạnh các quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành năm 2023, tổ chức linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong mọi mặt hoạt động đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Khẩn trương tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý

Về các nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, chủ động xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp. Trong đó, lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để tập trung giải quyết, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả, tác động lớn.

Khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023. Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, chủ động xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, thúc đẩy đầu tư công trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP trong quý I để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trình Chính phủ sửa đổi ngay Nghị định 27 năm 2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp