Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8, từ ngày 5-8/11.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mekong lần thứ 10, Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar – Việt Nam lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP |
Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) được khởi xướng vào năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Các nước thành viên của GMS gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc (tỉnh Vân Nam và Quảng Tây).
Mục tiêu dài hạn của GMS là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước thành viên, hỗ trợ cá c nước thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đưa tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) được tổ chức 3 năm một lần, là diễn đàn cao nhất trong chương trình Hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Hội nghị năm nay diễn ra tại Côn Minh (Trung Quốc) với chủ đề "Hướng tới một cộng đồng tốt đẹp hơn thông qua phát triển do đổi mới thúc đẩy".
Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mekong (ACMECS) được khởi xướng từ năm 2003, là khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam, Lào, Campuchia, Campuchia, Myanmar và Thái Lan. Mục tiêu chính của ACMECS là nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực biên giới các nước, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và công nghiệp một cách hiệu quả nhất, mở rộng cơ hội việc làm và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia.
Việt Nam chính thức tham gia ACMECS tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần thứ nhất tại Thái Lan vào tháng 11/2004.
Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar – Việt Nam (CLMV) được khởi xướng từ năm 2004. Hợp tác CLMV là cơ chế hợp tác mở, một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước CLMV, nhưng mặt khác là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển dành cho các nước CLMV.
Hợp tác CLMV cũng là diễn đàn để các nước CLMV phối hợp lập trường góp phần bảo vệ lợi ích của các nước CLMV trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN cũng như giữa ASEAN với đối tác khác. 6 lĩnh vực hợp tác của CLMV gồm: Thương mại và đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp và năng lượng; giao thông; du lịch; phát triển nguồn nhân lực.