Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo từ chức

Chính trị SINGAPORE
19:21 - 15/04/2024
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo từ chức ngày 15/4 để chuyển giao quyền lực cho Phó Thủ tướng Lawrence Wong. Ảnh: CNA
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo từ chức ngày 15/4 để chuyển giao quyền lực cho Phó Thủ tướng Lawrence Wong. Ảnh: CNA
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 15/4, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo ông sẽ từ chức và chuyển giao vị trí của mình cho Phó Thủ tướng Lawrence Wong vào ngày 15/5 tới – lần thay đổi lãnh đạo đầu tiên của quốc gia này sau 20 năm.

Theo hãng tin CNA dẫn lời Văn phòng Thủ tướng Singapore ngày 15/4, ông Lawrence Wong "nhận được sự ủng hộ nhất trí" của các nhà lập pháp Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền và do đó sẽ trở thành Thủ tướng thứ 4 của quốc gia này sau khi ông Lý Hiển Long từ chức. Tới khoảng 8 giờ tối ngày 15/5 theo giờ địa phương, ông sẽ tuyên thệ nhậm chức tại dinh thự Tổng thống Singapore Istana.

Phát biểu trên mạng xã hội Facebook cùng ngày, ông Lý Hiển Long cho biết: “Đối với bất kỳ quốc gia nào, quá trình chuyển đổi lãnh đạo là một thời điểm quan trọng". Vì vậy, ông đưa ra lời kêu gọi "tất cả người dân Singapore hãy ủng hộ hết mình cho ông Lawrence, đồng thời hợp tác để tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho Singapore".

Ông Wong cũng thông báo trên mạng xã hội Facebook rằng: “Tôi rất vinh dự được yêu cầu đảm nhận trách nhiệm mới với tư cách là Thủ tướng Singapore. Tôi chấp nhận nhiệm vụ này với sự khiêm tốn và ý thức trách nhiệm sâu sắc. Tôi cam kết sẽ cống hiến hết mình cho người dân". Ngoài ra, ông cũng đưa ra lời kêu gọi: “Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một tương lai tỏa sáng rực rỡ cho tất cả người dân Singapore".

Ông Lawrence Wong, 51 tuổi, là người đã có nhiều dấu ấn trong việc đưa Singapore vượt qua đại dịch Covid-19 khi đảm nhận chức vụ đồng Chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của chính phủ Singapore.

Ông từng là Thư ký riêng chính của Thủ tướng Lý Hiển Long từ năm 2005 - 2008 và giữ các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia, Bộ trưởng Giáo dục Singapore và Bộ trưởng Tài chính.

Trước đây, ông Lý Hiển Long đã từng bày tỏ mong muốn chuyển giao quyền lực trước sinh nhật lần thứ 70 của mình. Tuy nhiên, dự định này đã không thể trở thành sự thực do do đại dịch Covid-19. Vào thời điểm đại dịch lan rộng, ông tuyên bố sẽ nắm giữ cương vị Thủ tướng Singapore cho đến khi tình hình tại quốc đảo này nằm trong tầm kiểm soát.

Sự chuyển giao quyền lực khép lại một thời kỳ với những thay đổi lớn xảy ra trên nhiều mặt của nền kinh tế, xã hội của Singapore từ năm 2004 đến năm 2024 khi ông Lý Hiển Long nắm giữ chức vụ Thủ tướng.

Sinh năm 1952, ông Lý Hiển Long là con trai cả của Thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu. Hãng tin Straits Times dẫn lời ông Lý Hiển Long trong buổi ra mắt cuốn tự truyện Standing Tall của cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong hồi năm 2018, ông Lý Hiển Long chính thức tham gia chính trường sau khi nhận được lời đề nghị từ ông Goh Chok Tong. Thời điểm đó, ông Goh đang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Singapore trong khi ông Lý giữ một chức vụ trong Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Singapore.

Năm 1984, ông Lý Hiển Long rời Lực lượng Vũ trang Singapore để tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và giành chiến thắng ở phường Teck Ghee với 80,38% số phiếu bầu. Ngay sau khi trở thành nghị sĩ, ông Lee được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Bộ trưởng Quốc phòng.

Khi ông Goh Chok Tong kế nhiệm ông Lý Quang Diệu làm Thủ tướng Singapore vào năm 1990, ông Lý Hiển Long trở thành cấp phó của ông Goh và được coi là người kế nhiệm từ rất lâu trước khi ông chính thức bước lên vị trí cao nhất. Ông Lý Hiển Long tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 3 của Singapore vào ngày 12/8/2004.

Ông Lý Hiển Long và ông Lawrence Wong bắt tay nhau ngày 5/11/2023. Ảnh: CNA

Ông Lý Hiển Long và ông Lawrence Wong bắt tay nhau ngày 5/11/2023. Ảnh: CNA

Các thành tựu kinh tế của ông Lý Hiển Long

Là Thủ tướng thứ 3 của Singapore, ông đã lãnh đạo Singapore vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng và những thay đổi quan trọng trong vòng 20 năm nắm giữ chức vụ. Trong khoảng thời gian này, Singapore đã chứng kiến những thay đổi đáng kể trong hệ thống Quỹ tiết kiệm Trung ương (CPF), những điều chỉnh về chế độ thuế, sự chuyển đổi mang tính quyết định sang nền kinh tế dịch vụ cũng như trải qua các cuộc khủng hoảng bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch Covid-19.

Dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long, GDP của Singapore tăng từ mức 144 tỷ USD vào năm 2004 lên tới hơn 441 tỷ USD năm 2023. Với tư cách là Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính từ năm 2001 đến 2007, ông Lee đã thành công trong việc đưa nền kinh tế Singapore phát triển hơn trước và biến quốc gia này thành một cửa ngõ toàn cầu trong vòng 10 năm sau khi ông giữ chức vụ Thủ tướng.

Tới những năm sau đó, Singapore dần chuyển đổi quan điểm từ tăng trưởng mạnh mẽ nền kinh tế sang cung cấp mạng lưới an sinh xã hội toàn diện hơn và thu hẹp khoảng cách thu nhập. Hệ số Gini, thước đo phổ biến về bất bình đẳng thu nhập tại Singapore, đã giảm trong thập kỷ qua, ngay cả khi thu nhập hộ gia đình có xu hướng tăng lên.

Tuy nhiên, bản thân ông Lee dường như không coi thành công kinh tế là đóng góp lớn nhất của mình.

Khi trả lời trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, ông cho rằng yếu tố khiến ông cảm thấy đặc biệt hài lòng chính là sự chú trọng vào giáo dục. Dưới thời ông, các con đường giáo dục đã mở ra và người ta chú trọng và đầu tư nhiều hơn vào các Viện Giáo dục Kỹ thuật và các trường bách khoa.

Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, Singapore ghi dấu thông qua việc quản lý hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng tương đối hiệu quả cũng như sử dụng nguồn dự trữ tài chính dồi dào nhằm cung cấp các biện pháp hỗ trợ quan trọng cho đại dịch và giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn một cách tương đối bình yên.

Một dấu ấn khác của ông Lý Hiển Long còn được ghi nhận ở việc bãi bỏ Mục 377A trong luật pháp quốc gia này vào năm 2022 - một đạo luật cấm quan hệ tình dục đồng tính được ban hành từ thời thuộc địa - sau nhiều năm gây tranh cãi giữa các thành phần xã hội và các nhà hoạt động.

Với nhiều thành tựu quan trọng trong việc lãnh đạo đất nước, việc ông Lý Hiển Long từng theo học một lĩnh vực dường như không liên quan tới chính trị khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ.

Trên thực tế thời còn đi học, ông nổi tiếng là một học sinh giỏi toán và nhận được học bổng của Lực lượng Vũ trang Singapore tại Đại học Cambridge ở Anh. Ông tốt nghiệp năm 1974 với tư cách là thủ khoa trong cuộc thi toán học Tripos và đồng thời còn có bằng tốt nghiệp về khoa học máy tính loại xuất sắc.

Trong một cuộc phỏng vấn với Hiệp hội Toán học Singapore năm 1994, Giáo sư Béla Bollobás, người từng dạy ông tại Cambridge, cho biết: “Cậu ấy tốt nghiệp đứng đầu lớp với số điểm cách biệt”.

Tới một cuộc phỏng vấn khác vào năm 2007, Giáo sư Bollobás tiếp tục nhấn mạnh rằng ông Lý Hiển Long “thực sự xuất sắc”. Giáo sư nhận định ông “không chỉ chăm chỉ, tận tâm và chuyên nghiệp mà còn rất sáng tạo, tất cả các dấu hiệu đều chỉ ra rằng cậu ấy sẽ là một nhà toán học nghiên cứu đẳng cấp thế giới”.

Tuy nhiên tới năm 2023 khi trả lời câu hỏi phỏng vấn của đài truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc về việc ông có hối hận khi quyết định không trở thành nhà toán học hay không, Thủ tướng Singapore cho biết ông chỉ là “một sinh viên đầy triển vọng”. Ông chia sẻ: “Tôi rất thích toán học, tôi khá giỏi môn toán nhưng trên thế giới có rất nhiều nhà toán học tài năng và xuất sắc hơn tôi”.

Thay vào đó, ông cho biết: “Tôi quyết định rằng mình có trách nhiệm quay trở lại Singapore, trở thành một phần của Singapore và làm những gì có thể để giúp đất nước thành công. Vào thời điểm đó, Singapore vẫn là một đất nước nhỏ trong những năm đầu độc lập, do đó mỗi người có thể tạo ra sự khác biệt đều nên cố gắng tạo nên sự khác biệt. Tôi nghĩ tôi muốn làm điều đó và cố gắng hết sức mình, và tôi nghĩ đó là điều đúng đắn”.

Tin liên quan

Đọc tiếp