Thủ tướng yêu cầu khẩn trương triển khai tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn

CAO TỐC BÌnh định
11:02 - 06/02/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Định khẩn trương chuẩn bị, lập dự án, triển khai dự án tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn và giao UBND 2 tỉnh Gia Lai, Bình Định phối hợp đề xuất hướng tuyến, đoạn qua tỉnh nào thì tỉnh đó làm.

Chiều 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về tình hình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới và lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Tại buổi làm việc, các bộ, ngành đã đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định và cho rằng, điểm quan trọng nhất để tỉnh phát triển là hạ tầng giao thông để kết nối, khơi dậy các cực tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới, nhất là kinh tế biển, du lịch, logistics...

Tại đây, tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương cho phép nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát, bao gồm đường cất, hạ cánh thứ 2 và mở rộng nhà ga, sân đỗ để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, bổ sung quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế.

Đồng thời kiến nghị phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai), giao Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư từ nguồn vốn ODA hoặc theo hình thức đầu tư công (nếu hình thức PPP không khả thi) và cho phép đầu tư ngay trong giai đoạn trước năm 2025.

Trước các kiến nghị nêu trên, Thủ tướng yêu cầu tỉnh chủ động xây dựng đề án xã hội hóa, huy động nguồn lực cải tạo, nâng cấp sân bay Phù Cát. Bình Định cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị, lập dự án, triển khai dự án tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn, đoạn qua tỉnh nào thì tỉnh đó làm, theo hình thức hợp tác công tư, dưới sự quản lý, hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, kết nối 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Bình Định, kết nối Tây Nguyên và duyên hải Trung Bộ, kết nối với các tuyến cao tốc dọc (đường cao tốc Bắc - Nam), tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng.

Thủ tướng cũng khuyến khích các địa phương mạnh dạn làm các công trình hạ tầng lớn để có thêm nhiều kinh nghiệm.

Thủ tướng giao các bộ cân đối để hỗ trợ ngân sách đầu tư tuyến đường huyết mạch từ Quốc lộ 19 đến khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với cảng Quy Nhơn; đồng ý chủ trương vay vốn ODA để sớm hoàn thành 38 km còn lại của tuyến đường ven biển.

Ngoài phát triển hạ tầng, Bình Định cũng phải chú trọng công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tầm nhìn dài hạn, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.

Phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế then chốt, khuyến khích công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp - đô thị ven biển... Xây dựng hạ tầng đồng bộ, kết nối và nâng cao hiệu quả hoạt động khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông, lâm, thủy sản địa phương.

Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại thế mạnh (vận tải biển, logistics, kho bãi, tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông...). Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên; hình thành các tuyến, cụm du lịch.

Tin liên quan

Đọc tiếp