Cục trưởng Vũ Bá Phú phát biểu tại hội thảo “Sẵn sàng xuất khẩu”. Ảnh: Lê Hồng Nhung |
Trao đổi với phóng viên tại hội thảo “Sẵn sàng xuất khẩu” ngày 23/2 do Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade) phối hợp với Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) tổ chức, Cục trưởng Vũ Bá Phú cho biết, dự án SheTrades khởi động tại Việt Nam với 6 ý nghĩa chính. Trong đó có nâng cao năng lực của phụ nữ, hỗ trợ doanh nghiệp nữ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hỗ trợ doanh nghiệp nữ tham gia chuyển đổi số, tham gia vào thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nữ cũng sẽ tiếp cận nguồn tài chính từ các nhà đầu tư thông qua dự án, tiếp cận thị trường xuất khẩu, phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh doanh xanh bền vững.
Về phía đại diện ITC, Điều phối viên Dự án SheTrades-UPS Việt Nam Kritee Sharrma cho biết, ITC nhận thấy các doanh nghiệp nữ tại Việt Nam có khả năng chống chịu kém bởi cú sốc từ bên ngoài, bị ảnh hưởng nhiều nhất trong số các doanh nghiệp do tác động của đại dịch.
Chính vì vậy, sau một năm đi vào hoạt động, SheTrades Việt Nam xác định sẽ tập trung vào 3 mục tiêu chính. Đầu tiên, hỗ trợ cho phụ nữ chuyển đổi số, giúp họ có công cụ nền tảng số hóa tốt hơn, tiếp cận thông tin thị trường thông qua thương mại điện tử, tăng doanh thu.
Đồng thời, dự án sẽ hỗ trợ về dòng tiền đối với các doanh nghiệp thông qua các khóa học đào tạo về tiếp cận nguồn tài chính tín dụng. Cuối cùng, dự án sẽ tổ chức đào tạo cho nữ giới công cụ và áp dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử.
“Tính đến hiện tại, tại Việt Nam, chúng tôi đã đào tạo cho 950 nữ doanh nhân, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn 2,5 triệu USD. Trong đó, chúng tôi tập trung vào các nữ doanh nghiệp trẻ bởi họ là lực lượng lao động trong tương lai nên cần được đào tạo từ bước đầu để có kỹ năng cần thiết phát triển doanh nghiệp"
Từ góc nhìn doanh nghiệp, trao đổi với Mekong ASEAN, chị Đào Thị Lương – Giám đốc hợp tác xã Tâm Anh tại Phú Xuyên (Hà Nội) chia sẻ: “Địa phương chúng tôi có 43 làng nghề nhưng có tới 60% doanh nghiệp là nam làm chủ, tiếng nói phụ nữ tại địa phương chưa được nhiều, định kiến giới vẫn tồn tại. Do vậy, tôi mong muốn dự án SheTrades sẽ là cơ hội trang bị thêm kiến thức, lan tỏa tinh thần để nhiều người phụ nữ đủ tự tin, dám nghĩ dám làm”.
Trong khi đó, chị Bùi Thị Dinh - Giám đốc công ty TNHH TD Việt Nam lại kỳ vọng, thông qua SheTrades, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được với nguồn vốn đầu tư, trang bị thêm kiến thức về chuyển đổi số. Chị Dinh cho biết, doanh nghiệp của chị hiện mới bắt đầu tiếp cận xuất khẩu hàng hóa do vậy khó khăn về tài chính là không tránh khỏi, trong khi năng lực về chuyển đổi số vẫn còn yếu.
3 trụ cột chính của dự án SheTrades tại Việt Nam
Hiện tại, Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới và một trong 3 quốc gia tại châu Á được ITC bổ nhiệm cơ quan địa phương với việc Cục Xúc tiến thương mại trở thành một SheTrades Hubs.
SheTrades Hubs được hiểu là các nền tảng phi tập trung, thông qua đó sáng kiến SheTrades thực hiện các can thiệp trong nước và được quản lý bởi các tổ chức địa phương.
Tại Việt Nam, SheTrades Hub được phát triển với 3 trụ cột chính. Trụ cột 1, dự án đặt mục tiêu thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững bằng cách thúc đẩy bình đẳng giới. Dự án đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng cao năng lực cạnh tranh của 2.000 nữ doanh nhân để chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Trụ cột 2, SheTrades Việt Nam sẽ khai thác quá trình chuyển đổi số của các nữ doanh nhân, hướng tới việc mở rộng thị trường bền vững. Kế hoạch đến năm 2025 sẽ đào tạo, huấn luyện các nữ doanh nhân về kỹ năng tiếp cận thị trường và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do.
Trụ cột 3, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với ITC để nâng cao chất lượng hoạt động của SheTrades Việt Nam và phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đến năm 2025, dự án hướng đến việc tăng cường năng lực của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp (BSO) để hỗ trợ các doanh nhân nữ tốt hơn.
Về kế hoạch phát triển năm 2023, SheTrades Việt Nam sẽ thực hiện các chương trình nâng cao kỹ năng với mục tiêu thúc đẩy sự hòa nhập kinh tế của các doanh nghiệp do phụ nữ Việt Nam làm chủ và lãnh đạo.
Trong đó, dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến thương mại, tập trung vào khả năng sẵn sàng xuất khẩu, thực hành kinh doanh xanh và bền vững cũng như quản lý khủng hoảng.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân nữ tham gia hội chợ thương mại/các cuộc họp B2B, thương mại điện tử, mua sắm của công ty và nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp nữ làm chủ.
Bên cạnh đó, dự án sẽ tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho giao dịch thông qua việc triệu tập các bên liên quan chính để thiết lập và tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh và tăng cường năng lực thể chế để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nhân nữ.
SheTrades là sáng kiến do Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) đưa ra nhằm loại bỏ các rào cản đối với sự tham gia của phụ nữ trong thương mại bằng các hợp tác với các chính phủ, khu vực tư nhân và các doanh nhân để xây dựng năng lực kinh doanh của phụ nữ và tạo ra một nền kinh tế toàn cầu công bằng và bền vững hơn.
Tại Việt Nam, Chương trình SheTrades và UPS cho nữ doanh nhân xuất khẩu phối hợp với Vietrade nhằm cung cấp các cơ hội đào tạo, kỹ năng và phát triển giúp các nữ doanh nhân Việt Nam hiểu rõ hơn và hưởng lợi từ các cơ hội thương mại đầu tư. Shetrades tại Việt Nam chính thức khởi động từ năm 2019.