Báo cáo SYNC Đông Nam Á về người tiêu dùng số khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn phát triển mới của Meta và Bain & Company, được công bố ngày 13/10, đã thực hiện khảo sát 16.000 người tiêu dùng số Đông Nam Á, trong đó có 3.600 người đến từ Việt Nam.
Theo báo cáo, tính đến cuối năm nay, số lượng người tiêu dùng số trong khu vực được dự đoán sẽ đạt 370 triệu người và con số này dự kiến sẽ tăng lên 402 triệu người vào năm 2027. Trong đó, với dự đoán Việt Nam sẽ có 60 triệu người tiêu dùng số vào năm 2022, trung bình cứ 8 trong 10 người trong độ tuổi làm việc đã là người tiêu dùng số.
Từ những kết quả trên, báo cáo nhận định rằng, Đông Nam Á là một thị trường có nhiều cơ hội tích cực về số lượng người dùng.
Giá trị hàng hoá thương mại điện tử đạt 40 tỷ USD vào năm 2027
Theo báo cáo, tổng giá trị hàng hoá thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận một sự tăng trưởng đáng kể, từ 75 tỷ USD vào năm 2020 đến 112 tỷ USD vào năm 2021, tăng 48%.
Tuy nhiên, tổng giá trị hàng hoá trong năm 2022 chỉ đạt 129 tỷ USD, giảm xuống 15% so với năm 2021. Báo cáo cũng đưa dự đoán đến năm 2027, con số này sẽ đạt 280 tỷ USD, chỉ "nhích" thêm được 2% so với giai đoạn 2021-2022.
Dự báo tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á |
Từ kết quả trên, tăng trưởng hàng năm trong khu vực Đông Nam Á có dấu hiệu chậm lại và sự chậm lại này được báo cáo cho rằng có thể do tần suất mua hàng trực tuyến trong khu vực đã giảm. Cùng với đó, các quốc gia đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế và mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 cộng với sự biến động của thị trường đến từ lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dùng.
Đáng chú ý, Việt Nam được kỳ vọng là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực với tổng giá trị hàng hoá thương mại điện tử ước đạt 40 tỷ USD vào năm 2027, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến tăng 28% so với năm 2022.
Việt Nam có tỷ lệ ứng dụng VR cao nhất trong khu vực
Mức độ thâm nhập của các công nghệ tương lai như tiền điện tử, thế giới ảo và công nghệ VR (thực tế ảo) được báo cáo nhận định rằng đang đạt được nhiều kết quả tích cực về mặt áp dụng trên các thị trường trong khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát, trung bình 7 trong số 10 người tiêu dùng số tại Việt Nam trong năm 2022 đã sử dụng công nghệ liên quan đến metaverse gồm tiền điện tử, thực tế ảo và thế giới ảo. Đặc biệt, tỷ lệ ứng dụng VR (thực tế ảo) tại Việt Nam cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với 29%. Các công nghệ khác như NFT (Non-fungible token - tài sản không thể thay thế) hay AR (Tương tác thực tế ảo) cũng chiếm được tỷ lệ cao trong khu vực.
Tỷ lệ đón nhận các công nghệ tương lai ở các nước trong khu vực Đông Nam Á |