Thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất cấm giao dịch với các nhà sản xuất chip Trung Quốc

Chip Mỹ-Trung
15:23 - 21/11/2022
Thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất cấm giao dịch với các nhà sản xuất chip Trung Quốc
0:00 / 0:00
0:00
Hai thượng nghị sĩ Mỹ đang bổ sung đề xuất lệnh cấm kinh doanh giữa Chính phủ Mỹ với các nhà sản xuất chip Trung Quốc, vào phiên bản cuối cùng của Đạo luật NDAA cho tài khoá 2023

Đạo luật Uỷ quyền Quốc phòng Mỹ (The National Defense Authorization Act - NDAA) là một trong những đạo luật lớn được Quốc hội Mỹ thông qua hàng năm. NDAA thậm chí được xem là một công cụ thường xuyên cho các điều khoản liên quan đến Trung Quốc, vốn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng.

Mới đây lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ là ông Chuck Schumer và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà John Cornyn đã đề xuất bổ sung lệnh cấm Chính phủ Mỹ kinh doanh với các nhà sản xuất chip Trung Quốc.

Việc bổ sung đề xuất nhằm ngăn chặn quyền tiếp cận của liên bang đối với các sản phẩm và dịch vụ bán dẫn do các công ty Trung Quốc sản xuất, trong phiên bản cuối cùng của Đạo luật NDAA tài khoá 2023. Song, biện pháp này sẽ mở rộng các điều khoản trong Mục 889 của NDAA, vốn đã cấm các cơ quan cơ quan Chính phủ Mỹ kinh doanh với các công ty hoặc nhà thầu viễn thông Trung Quốc sử dụng công nghệ của họ.

NDAA năm tài khóa 2023 phải được Thượng viện và Hạ viện thông qua vào cuối năm nay trước khi được gửi tới Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật.

Mục 889 của NDAA có ý nghĩa gì đối với quan hệ Mỹ - Trung?

Được thông qua lần đầu trong NDAA 2019, mục 899 chủ yếu nhắm vào các tập đoàn Trung Quốc như Huawei và ZTE. Giờ đây, với đề xuất của hai Thượng nghị sỹ Schumer-Cornyn, sẽ bổ sung thêm các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách cấm, gồm Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), Yangtze Memory Technologies Corp (YMTC) và ChangXin Memory Technologies Corp.

Cả Thượng viện và Hạ viện hiện đang đàm phán về phiên bản cuối cùng của Đạo luật NDAA cho tài khoá 2023. Mặc dù, báo cáo của Politico cũng chỉ ra rằng, cho đến nay vẫn chưa rõ liệu hai ông Schumer và Cornyn có thành công trong nỗ lực đề xuất sửa đổi hay không, nhưng điều đáng chú ý là có được sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với việc kiềm chế hoạt động kinh doanh của chính phủ liên bang với các công ty Trung Quốc.

Tech Wire Asia cho biết, nhiều nghị sĩ hàng đầu của Mỹ, trong đó có ông Chuck Schumer đã tham gia vào việc đưa công ty sản xuất chip YMTC của Trung Quốc vào Danh sách thực thể (Entity List) vào tháng 12 sắp tới, về cơ bản là cấm YMTC giao dịch tại Mỹ.

Các đề xuất sửa đổi của 2 thượng nghị sĩ Schumer và Cornyn được đưa ra sau một tháng khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, nhằm ngăn Trung Quốc mua nhiều loại chip bán dẫn được chế tạo bằng thiết bị của Mỹ trên khắp thế giới.

Điều này đồng nghĩa, các công ty trên thế giới không được phép bán chip máy tính hoặc công nghệ bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc, nếu trong sản phẩm có công nghệ Mỹ. Trường hợp muốn giao dịch, họ phải nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để xét duyệt. Lệnh cấm này là một sự leo thang đáng kể trong căng thẳng thương mại và địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Phản ứng trước động thái của Mỹ, các quan chức của Trung Quốc tuyên bố rằng, lệnh cấm của Mỹ có thể khiến những doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc gặp khó.

Theo South China Morning Post, các công ty bán dẫn của Mỹ đang là đối tác của Trung Quốc có thể mất đi 18% thị phần toàn cầu, 37% doanh thu và lên tới 40.000 việc làm. Điển hình như, năm 2021, một năm đầy tươi sáng với Intel khi ghi nhận doanh thu của công ty là 74,7 tỷ USD, trong đó có 30% đến từ thị trường Trung Quốc.

Đọc tiếp

TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FTC) đang tiến hành điều tra TikTok về các hoạt động dữ liệu và bảo mật. Động thái này diễn ra trong bối cảnh TikTok đang phải đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ nếu ByteDance không thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng này.
Chính quyền Mỹ kiện Apple

Chính quyền Mỹ kiện Apple

Bộ Tư pháp Mỹ cùng 16 tiểu bang và một quận đã nộp đơn kiện Apple với cáo buộc hãng có hành vi độc quyền trong hoạt động kinh doanh iPhone.