Thụy Sỹ và Việt Nam xây dựng tiểu dự án hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

SwissTrade thụy sỹ
20:55 - 25/07/2022
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Phạm Tiệp
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Phạm Tiệp
0:00 / 0:00
0:00
Nằm trong khuôn khổ dự án SwissTrade, chiều 25/7, Cục Xúc tiến thương mại khởi động Hợp phần 3 Dự án Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ (gọi tắt là SwissTrade).

Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng công bố “Mẫu đề xuất tài trợ - Chương trình Hỗ trợ đổi mới và cạnh tranh – Đợt 1”. Trong khuôn khổ dự án SwissTrade, Cục sẽ là cơ quan đầu mối được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai các hoạt động thuộc Hợp phần 3.

Theo đó, Hợp phần 3 dự án SwissTrade sẽ tập trung xây dựng và triển khai “Chương trình Hỗ trợ đổi mới và cạnh tranh” (ICG). Mục đích nhằm tăng cường năng lực dịch vụ xuất khẩu, xây dựng hệ sinh thái xúc tiến xuất khẩu thông qua tài trợ cho các tiểu dự án của Tổ chức hỗ trợ thương mại (BSO) ở cả khu vực công và tư.

Từ đó, triển khai các sáng kiến về hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (vốn là các đối tượng được hưởng lợi từ dự án này) nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Ảnh tác giả

“Chương trình hỗ trợ đổi mới và cạnh tranh của dự án SwissTrade sẽ tạo một động lực mới, quan trọng nhắm tới thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu, tạo đà tăng trưởng và phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương. Đồng thời góp phần tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới và một khu vực tư nhân năng động”.

Ông Werner Gruber - Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ tại Việt Nam

Chương trình ICG dự kiến sẽ tài trợ từ 10 -15 tiểu dự án trong giai đoạn 2022 - 2024, được lựa chọn thông qua một quy trình cạnh tranh và triển khai qua 3 đợt mời nộp đề xuất dự án.

Cụ thể, thời hạn nộp hồ sơ Đề xuất sơ bộ trước 17h00 ngày 26/8/2022. Từ ngày 20 – 30/9/2022, phê duyệt danh sách hồ sơ Đề xuất sơ bộ được lựa chọn và thông báo mời nộp đề xuất chi tiết; thời hạn nộp hồ sơ Đề xuất chi tiết trước 17h00 ngày 30/10/2022. Phê duyệt và thông báo danh sách các tiểu dự án và đối tác được nhận tài trợ dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 11/2022. Sau khi phê duyệt, dự kiến tháng 12/2022 sẽ ký hợp đồng và triển khai các tiểu dự án.

Quy mô tài trợ tối đa là 150.000 USD/tiểu dự án trong thời gian từ 12 - 24 tháng.

Các đối tượng tham gia đề xuất là các đơn vị, tổ chức hỗ trợ thương mại đến từ khu vực nhà nước, tư nhân, chức phi chính phủ của Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực hỗ trợ thương mại, xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gia tăng xuất khẩu cả về quy mô và chất lượng.

Nói thêm về đối tượng tham gia, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng, Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa dù đóng vai trò quan trọng trong quá trình mở cửa thị trường và tự do hóa thương mại của Việt Nam (chiếm 98% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam) nhưng do năng lực còn hạn chế nên việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu còn yếu, khó có thể tham gia vào vị trí có giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại như kết nối thương hiệu, thông tin thị trường... cho các doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong Hợp phần 3, chương trình sẽ kêu gọi các tổ chức này đề xuất các sáng kiến, đổi mới sáng tạo trong việc cung cấp các dịch vụ, từ đó hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ảnh tác giả

“Các tổ chức cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại này đã và đang trở thành một lực lượng quan trọng hỗ trợ cho hoạt động cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại do các cơ quan trung ương và địa phương thực hiện”.

Bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng, Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), Giám đốc Ban Quản lý Dự án.

SwissTrade – Dự án toàn diện của Thụy Sỹ hỗ trợ chính phủ Việt Nam

Hợp phần 3 trên nằm trong “Dự án Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ” (Dự án SwissTrade). Đây là chương trình hỗ trợ kỹ thuật về thương mại trong 4 năm (từ năm 2021 – 2024) do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ.

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm tỷ lệ đói nghèo thông qua tăng cường hoạt động thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ việc cải thiện các điều kiện khung thuận lợi cho phát triển xuất nhập khẩu, tăng cường cơ chế đối thoại công tư và phát triển hệ sinh thái năng động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu.

Dự án gồm 3 hợp phần diễn ra song song. Trong đó, tại Hợp phần 1 của dự án, phía Thụy Sỹ sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021 – 2030 và Kế hoạch hành động kèm Lộ trình thực hiện Chiến lược giai đoạn 2021 – 2025…

Hợp phần 2 sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương đánh giá hiện trạng triển khai các Diễn đàn đối thoại công tư trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách nói chung và đối với các chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu…

Chia sẻ với Mekong Asean về ý nghĩa của 3 hợp phần cũng như tổng thể dự án, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đây là dự án đầu tiên của Thụy Sỹ mang tính toàn diện trong việc hỗ trợ chính phủ Việt Nam. Trong đó, vừa hỗ trợ hoạch định chính sách xuất khẩu chiến lược, vừa hỗ trợ chính phủ Việt Nam thực thi chiến lược xuất khẩu, phía Thụy Sỹ cũng hỗ trợ Cục Xúc tiến thương mại thực hiện thông qua Hợp phần 3 nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thực hiện chiến lược xuất khẩu hiệu quả.

Cục trưởng Vũ Bá Phú cũng cho biết thêm, dự án sẽ thúc đẩy nâng cao năng lực cho các tổ chức hỗ trợ thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình xuất khẩu. Qua đó, thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam – Thụy Sỹ, giữa Việt Nam và các nước khác khi năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tốt lên.

Tin liên quan

Đọc tiếp