Tiến tới Dự thảo luật rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn 10 năm

LAO ĐỘNG CHÍNH PHỦ
14:47 - 12/06/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc đối thoại với công nhân, ngày 12/6. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc đối thoại với công nhân, ngày 12/6. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Để lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng của người lao động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc đối thoại với công nhân tại Bắc Giang, ngày 12/6, trong đó vấn đề bảo hiểm cho người lao động được đề cập đến nhiều.

Đây là diễn đàn để công nhân lao động được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ. Mở đầu buổi đối thoại, công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà đến Hợp tác xã mây tre lá Ba Nhất, Bình Thạnh, TP HCM, đã nêu lên trăn trở khi Luật Bảo hiểm Xã hội quy định thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi đó nhiều doanh nghiệp lại tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động khi công nhân mới 40 - 45 tuổi.

Về vấn đề bảo hiểm, được sự chỉ định của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung đã đại diện giải đáp. Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đang có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, một tỉ lệ được cho là thấp. Nhưng với 15 năm phát triển bảo hiểm, đây vẫn là thành tích đáng kể của Việt Nam.

Trong quý I và II năm 2022, có tình trạng một tỉ lệ nhất định người lao động rút BHXH một lần. Đây là điều không tốt, gây hệ lụy lâu dài cho người lao động khi nghỉ hưu. Vì vậy, theo Bộ trưởng LĐTB&XH, việc đầu tiên là phải nâng cao đời sống, phúc lợi cho công nhân, người lao động, nhất là đối với công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thủ tướng tặng quà công nhân tại Bắc Giang. Ảnh: VGP

Thủ tướng tặng quà công nhân tại Bắc Giang. Ảnh: VGP

Trong khi đó, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội do Bộ LĐTB&XH chủ trì hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và năm 2023 sẽ trình Quốc hội xem xét. Trong các nhóm này, Luật sẽ quy định giảm dần thời gian đóng BHXH. Trước đây, quy định 20 năm đóng bảo hiểm thì nay Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể còn 10 năm, với chủ trương đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ.

“Dự thảo cũng tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm BHXH với nhau, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, sẽ xử lý một vấn đề quan trọng trong bảo hiểm hiện nay là chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm nhiều với người đóng ít, người đóng dài, người đóng ngắn mà thời gian qua chưa làm được”, Bộ trưởng LĐTB&XH cho biết thêm.

Bộ trưởng Dung cũng cho biết, Dự thảo có đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm dài hơn. Chẳng hạn, hiện nay Việt Nam đang khuyến khích người lao động theo hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, đối tượng bình thường là 10%. Theo thông lệ quốc tế, tỉ lệ này tương ứng là 50%, 20% và 30% và sẽ được áp dụng tại Việt Nam thời gian tới.

“Ngoài ra, Luật sẽ có quy định xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng khó khăn của người công nhân để ép công nhân mua bán, chuyển đổi sổ bảo hiểm qua nhiều hình thức trá hình. Chúng tôi cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hướng dẫn các chủ sử dụng lao động và người lao động về vấn đề này. Qua đó, tình trạng rút BHXH một lần hiện đã giảm đi so với quý I/2022”, Bộ trưởng LĐTB&XH thông tin.

Giải đáp thêm về câu hỏi liên quan đến BHXH, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

“Pháp luật về bảo hiểm xã hội có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Các chủ thể liên quan đều có trách nhiệm với nhau, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết”.

Theo Thủ tướng, trước hết, cần thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của luật pháp, trên cơ sở đó, nếu các quy định còn sơ hở, chưa phù hợp thì sửa đổi, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, hài hòa với lợi ích của nhà nước và người sử dụng lao động, tránh cực đoan, không có lợi cho nhân dân, đất nước, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước và tình hình thực tế.

Đồng thời, các Bộ/ngành phải tuyên truyền, vận động các chủ thể thực hiện đúng quy định, kể cả những quy định chưa phù hợp thì chúng ta tổng kết thực tiễn, sửa đổi, bổ sung, mở rộng dần.

Đáp ứng đòi hỏi chính đáng cho người lao động về đào tạo nghề

Cũng tại buổi đối thoại, một trong những nguyện vọng cấp thiết được Công nhân Bùi Văn Trường đến từ Công ty TNHH Luxshare-ICT, Bắc Giang nêu lên là mong muốn Chính phủ có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đối với vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đây là đòi hỏi chính đáng của người lao động và công nhân. Việt Nam phải phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó mới có công ăn việc làm, mới giải quyết được lao động. Phải nâng cao năng suất, chất lượng công ăn việc làm của mình lên, muốn như vậy phải có đào tạo nâng cao tay nghề là đòi hỏi khách quan phải làm.

Hiện nay, tỉ lệ lao động được đào tạo đạt 70%, nhưng chỉ có 24,5% có chứng chỉ nghề nghiệp. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ đào tạo nghề nghiệp thấp.

Vừa qua, trong chương trình đầu năm khi bố trí vốn đầu tư trung hạn, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã bàn bạc với các bộ, ngành liên quan dành 2.000 tỷ đồng cho đào tạo nghề để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho công nhân. Nếu còn có dư địa sẽ tiếp tục làm.

“Như vậy, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan như công nhân phải nỗ lực, quản lý nhà nước phải có chính sách, cơ chế, tổ chức thực hiện thật tốt; các địa phương phải vào cuộc. Tổng Liên đoàn Lao động cũng phải vào cuộc để giải quyết bài toán tổng thể này căn cơ, bài bản, từng bước chắc chắn và có hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Là đơn vị trực tiếp phụ trách vấn đề đào tạo nghề cho người lao động, Bộ trưởng LĐTB&XH cho biết, sức ép về công ăn việc làm, đào tạo nghề và đào tạo lại cho công nhân, người lao động đang tạo ra áp lực lớn.

Thời gian tới khoảng năm 2026, theo dự báo của Tổ chức Lao động thế giới sẽ có khoảng 40% người lao động sẽ không còn kỹ năng phù hợp với công việc hiện tại nữa vì sẽ thay thế bằng công nghệ mới; 30% người lao động buộc phải chuyển nghề. Như vậy, ngay từ bây giờ Việt Nam phải chuẩn bị trước cho 5 - 10 năm tới theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung

“Xác định đào tạo nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược của quốc gia để phát triển nhanh. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 với những giải pháp quan trọng. Chiến lược chia làm ba bước: Đào tạo nhanh; đào tạo mới lực lượng lao động; đào tạo chất lượng cao".

10 nhóm vấn đề lớn gửi lên Thủ tướng Chính phủ

Sự kiện Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi của Tháng Công nhân năm 2022. Tổng hợp kiến nghị của công nhân lao động gửi tới Thủ tướng Chính phủ, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nêu ra 10 nhóm vấn đề lớn.

Cụ thể, kiến nghị đầu tiên là tăng lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống, có tích lũy đối với người lao động và chính sách tiền lương mới.

Việc rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, hệ quả là công nhân không có lương hưu trong tương lai.

Các giải pháp tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải quyết chế độ, chính sách, các gói hỗ trợ công nhân lao động.

Vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Về chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, giúp công nhân tiếp cận nguồn vốn hợp pháp để giải quyết khó khăn, hạn chế tình trạng công nhân lao động mắc bẫy "tín dụng đen".

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

“Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, những kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động sẽ được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, giải đáp và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng và kỳ vọng của công nhân lao động cả nước”.

Về công tác đào đào tạo nghề các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động.

Về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn tập thể, các chợ dân sinh, đảm bảo cho công nhân lao động được tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, phù hợp với thu nhập.

Về tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại nơi làm việc, nơi ở của công nhân lao động; bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp vào giờ cao điểm.

Vấn đề giá nhà trọ, giá điện, giá nước sinh hoạt bị một bộ phận chủ nhà trọ đẩy lên cao; việc tăng giá sách giáo khoa; vấn đề con em công nhân khó tiếp cận các trường học công trên địa bàn do không có hộ khẩu thường trú; việc cấp bách phải hình thành các điểm chợ gần khu công nghiệp và gần các doanh nghiệp đông công nhân.

Tin liên quan

Đọc tiếp