Tiếp nhận chuyển giao một ngân hàng, HDBank có được nới room ngoại lên 49%?

NGÂN HÀNG Việt nAM
15:24 - 26/04/2023
Ban lãnh đạo ngân hàng HDBank tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 sáng 26/4.
Ban lãnh đạo ngân hàng HDBank tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 sáng 26/4.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là câu hỏi của cổ đông HDBank sau khi HĐQT ngân hàng này tiếp tục trình và được cổ đông thông qua việc tham gia chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng khác.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 của Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank, mã: HDB) ngày 26/4, ban lãnh đạo ngân hàng đã trình bổ sung đại hội thông qua việc tiếp tục tham gia chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Ban lãnh đạo HDBank cho biết, việc tham gia tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng không chỉ góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của hệ thống ngân hàng, nền kinh tế, mà còn tạo cơ hội mang lại giá trị gia tăng cho HDBank và cổ đông.

HĐQT đề nghị cổ đông tiếp tục giao và ủy quyền cho Hội đồng quản trị thực hiện và hoàn tất các công việc liên quan như nghị quyết đã được thông qua hồi năm 2022. Những việc được ủy quyền bao gồm nhưng không giới hạn việc sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh nội dung cụ thể, quyết định, ký các văn bản, giấy tờ, tài liệu và tổ chức triển khai, thực hiện các công việc có liên quan đến việc nhận chuyển giao bắt buộc phù hợp với quy định pháp luật, yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thuận với phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng khác, cổ đông HDBank cũng đặt câu hỏi về việc có khả năng được nới “room” sở hữu nước ngoài lên 49% hay không?

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết: “Về chủ trương, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thông qua các quy định, tạo điều kiện để cho các tổ chức tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém. Vì vậy các tổ chức tham gia đều có cơ hội nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (“room” ngoại) lên 49%."

"Hiện đề án của HDBank đang trong giai đoạn trao đổi và bảo mật thông tin nên chưa thể công bố, khi nào được phép chúng tôi sẽ thông tin tới cổ đông”, bà Thảo nói với cổ đông.

Song song với việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng, HDBank dự kiến cũng trình cổ đông thông qua việc mua lại một công ty chứng khoán với đánh giá rằng, tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn.

Lãnh đạo HDBank cho biết nền kinh tế Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, đây là tiền đề rất tốt cho thị trường chứng khoán phát triển.

Bên cạnh đó số lượng tài khoản chứng khoán của Việt Nam mới đạt tỷ lệ hơn 6% dân số, còn rất thấp so với mức 10%-15% của các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn.

Do vậy việc mua lại công ty chứng khoán, theo HDBank, sẽ giúp ngân hàng mở rộng hơn nữa các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng, đa dạng hóa và tăng cường nguồn thu dịch vụ, thông qua nhiều hoạt động mới như tư vấn phát hành, tư vấn tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp, quản lý tài sản và các dịch vụ khác.

Tiêu chí mà ngân hàng này đưa ra để lựa chọn công ty chứng khoán góp vốn, mua cổ phần bao gồm: được cấp phép để thực hiện các nghiệp vụ như môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Ngoài ra phải có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất; hoạt động kinh doanh có lợi nhuận liên tiếp trong ba năm gần nhất, đồng thời đảm bảo đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật và quy định hiện hành của HDBank.

Tin liên quan

Đọc tiếp