Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước trong tháng 10/2023 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,9% YoY; ngành khai khoáng giảm 5,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,2% YoY.
Đối với một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn, chỉ số IIP tháng 10/2023 tăng trưởng tốt ở nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Bắc Giang (cùng tăng 22,7%), Phú Thọ (tăng 16%), Hải Phòng (tăng 15,5%), Long An (tăng 12,4%), Quảng Ninh (tăng 12%), Bình Dương (tăng 9,7%), Hưng Yên (tăng 6,2%)...
Tính chung 10 tháng năm 2023, IIP ước tính tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,5%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 3,2%, làm giảm 0,5 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Về các ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2, một số ngành có chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu là sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, với mức tăng 9,5%. Kế đó là ngành sản xuất sản phẩm thuốc lá, tăng 9,1%.
Kỳ này là lần hiếm hoi trong 2 năm gần đây, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic vượt ngành sản xuất sản phẩm thuốc lá để vươn lên dẫn đầu mức tăng các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm.
Ở chiều ngược lại, hai ngành ghi nhận mức giảm lớn nhất là ngành sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 7,3%) và ngành sản xuất xe có động cơ (giảm 4,1%). Đây là hai ngành vẫn luôn ghi nhận mức giảm lớn so với cùng kỳ năm trước kể từ đầu năm tới nay và nhiều lần đã là những ngành có mức giảm lớn nhất, chủ yếu vẫn do tình hình bán ra của các sản phẩm ô tô không khả quan.
Nếu xét trên các sản phẩm công nghiệp chủ lực, 10 tháng năm 2023, ô tô và điện thoại di động tiếp tục là hai sản phẩm ghi nhận mức giảm sâu do người dân vẫn thắt chặt chi tiêu khi tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn.
Ngược lại, dẫn đầu về mức tăng trưởng là sản phẩm đường kính, tăng 35% yoy, gấp đôi mức tăng của sản phẩm đứng thứ hai là phân hỗn hợp NPK (tăng 17,5%). Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp sản phẩm này ghi nhận mức tăng vọt so với cùng kỳ, dẫn đầu các sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Mức tăng trưởng tốt này đến từ nhu cầu cao về sản phẩm đường từ ngành sản xuất chế biến thực phẩm trong nước. Đặc biệt, theo tính toán của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), tổng nhu cầu tiêu thụ đường năm 2023 đạt gần 2,4 triệu tấn, trong khi tổng cung trong nước cả năm 2023 dự kiến chỉ đạt gần 1,8 triệu tấn. Như vậy, từ tháng 7 đến hết năm 2023, lượng đường thiếu hụt dự kiến sẽ rơi vào khoảng hơn 600.000 tấn.
Tương ứng với nhu cầu sử dụng cao và mức tăng vọt của sản phẩm đường kính, ngành sản xuất chế biến thực phẩm cũng nằm trong nhóm những ngành công nghiệp trọng điểm có mức tăng trưởng tốt, với mức tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn về các địa phương, 10 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 49 địa phương và giảm tại 14 địa phương còn lại. Kỳ này, tỉnh Trà Vinh ghi nhận tháng thứ 3 liên tiếp dẫn đầu về tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp, khi tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng này cách biệt tương đối xa (5,5 điểm phần trăm) so với tỉnh Bắc Giang đứng vị trí thứ hai, chủ yếu vẫn nhờ mức tăng trưởng tốt của ngành sản xuất và phân phối điện. Trong khi đó, kỳ này, Hậu Giang đã không còn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có mức tăng vượt bậc về ngành sản xuất và phân phối điện so với cùng kỳ năm trước.
Mức giảm lớn nhất thuộc về Quảng Nam (giảm 28,8%) do tỉnh này chứng kiến sự suy giảm từ cả ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/10/2023 tăng 1% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,4% so với cùng thời điểm năm trước.