Toàn cảnh cuộc nội chiến tại “đế chế” xây dựng Hòa Bình

HBC Hòa Bình Corp
22:36 - 03/01/2023
Ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú
Ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú
0:00 / 0:00
0:00
"Cuộc chiến vương quyền" tại Xây dựng Hòa Bình - một trong những ông lớn trong ngành xây dựng Việt Nam đang thu hút không ít sự chú ý của giới đầu tư.

Đầu năm mới 2023, tin tức về “cuộc chiến vương quyền” tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình Corp – HoSE: HBC) bắt đầu được công bố rộng rãi.

Như đã được MekongASEAN đề cập, vào ngày 31/12/2022 vừa qua, Hòa Bình Corp công bố Nghị quyết số 53 hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch và xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải. Theo nghị quyết đó, ông Lê Viết Hải vẫn tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ ngày 1/1/2023.

Đồng thời, nghị quyết cũng thông qua việc hoãn thi hành bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu và hoãn thi hành bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT theo Nghị quyết số 51 ban hành ngày 14/12/2022.

Tuy nhiên, tới chiều 1/1/2023, một nhóm các thành viên HĐQT của HBC gồm TS. Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã phát đi một thông cáo bác bỏ các động thái nói trên "do cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, Lê Viết Hải, đơn phương thực hiện vào ngày 31/12/2022”.

Đồng thời, nhóm này đề nghị ông lê Viết Hải không thực hiện bất kỳ hành động nào mang tính cản trở việc kế nhiệm của Chủ tịch HĐQT được bầu là ông Nguyễn Công Phú.

Để hiểu rõ hơn về xung đột nội bộ của Hòa Bình Corp, cần nhìn lại những biến động từ cách đây 2 năm.

Toàn cảnh cuộc nội chiến tại “đế chế” xây dựng Hòa Bình  ảnh 1
Ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú cùng các thành viên HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Ảnh: HBC

Cách đây hơn 2 năm, vào ngày 23/7/2020, Hòa Bình thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Lê Viết Hải, đồng thời bổ nhiệm con trai ông Hải là ông Lê Viết Hiếu vào vị trí này. Việc Chủ tịch HBC nhường lại vị trí CEO cho con trai nhằm phù hợp với nghị định 155/2020/NĐ-CP về quản trị doanh nghiệp khi Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm CEO của cùng một công ty đại chúng.

Quyết định bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu có thời hạn 2 năm và tròn 2 năm sau khi thời hạn này kết thúc, vào ngày 23/7/2022 vừa qua, ông Lê Viết Hiếu từ vị trí CEO được điều chuyển xuống làm Phó Tổng Giám đốc thường trực nhằm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành: "Tổng giám đốc không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp", tức trong trường hợp này, là Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải.

5 tháng sau, vào ngày 12/12/2022, ông Lê Viết Hải có đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, rút khỏi tư cách thành viên Hội đồng quản trị và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Đây được coi là bước đi cho kế hoạch chuyển giao thế hệ của HBC, nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử ông Lê Viết Hiếu đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc.

Với việc ông Lê Viết Hải rút lui, Hòa Bình Corp bổ nhiệm TS. Nguyễn Công Phú (SN 1951) làm Chủ tịch HĐQT, cũng dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Doanh nhân này được ông Lê Viết Hải mời về Hòa Bình vào năm 2021, ngay sau khi rời Tập đoàn Apave của Pháp.

Ngoài ra, Hòa Bình Corp khi đó cũng thông qua việc thành lập "Hội đồng sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình" và đồng thuận ông Lê Viết Hải là Chủ tịch Hội đồng sáng lập. Theo HBC, Hội đồng sáng lập sẽ tham gia vào những quyết định quan trọng của Tập đoàn như định hướng kinh doanh.

Theo đó, việc sửa đổi điều lệ doanh nghiệp, các hợp đồng mua bán, sáp nhập công ty, ký kết hợp đồng đầu tư trị giá 100 tỷ đồng trở lên, cho vay công ty con/công ty liên kết giá trị trên 20 tỷ đồng, những chính sách thay thế hoặc thay đổi Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn và các công ty con sẽ phải thông qua ý kiến của Hội đồng sáng lập.

Trong thông báo về sự kiện trên, HBC cũng cho biết sự phối hợp giữa ông Lê Viết Hải trong vai trò Chủ tịch Hội đồng sáng lập và TS. Nguyễn Công Phú trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ tập trung sức mạnh và trở thành bệ đỡ hậu thuẫn cho thế hệ trẻ kế thừa của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phát huy năng lực và đưa Hòa Bình chuyển mình sang giai đoạn mới, phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Ai là người sở hữu HBC?

Ở thời điểm hiện tại, Chủ tịch Lê Viết Hải là cổ đông lớn nhất tại HBC khi sở hữu 43,91 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 17,86% vốn điều lệ Hòa Bình. Tính thêm sở hữu của các thành viên trong gia đình, con số này tăng lên hơn 22%.

Theo các báo cáo từ HBC, cổ đông lớn còn lại là Huyndai Elevator Co., Ltd khi nắm 26,2 triệu cổ phiếu HBC, tỷ lệ 10,83%. Doanh nghiệp này là đối tác chiến lược của Hoà Bình, chuyên sản xuất thang cuốn, thang máy, bảo trì thang cuốn thang máy có vị trí hàng đầu thị trường Hàn Quốc. HBC chào bán 25 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho Hyundai Elevator Co., Ltd vào ngày 12/6/2019 với giá 23.000 đồng/cp, tương ứng thu về 575 tỷ đồng.

Một cổ đông ngoại khác của HBC là Sanei Architecture Planning (Sanei) nắm giữ 1,87% vốn. Đây là doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, khai thác, quản lý và đầu tư bất động sản.

Sanei hoàn tất mua 5 triệu cổ phiếu HBC với giá chào bán là 32.500 đồng/cp vào giữa tháng 10/2022. Hòa Bình đã huy động được 162,5 tỷ đồng sau thương vụ và nâng vốn điều lệ của công ty lên mức 2.678 tỷ đồng.

Các cổ đông còn lại nắm giữ hơn 65% vốn điều lệ của Hòa Bình. Đáng chú ý, trong làn sóng nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường chứng khoán giai đoạn 2019 - 2022, cơ cấu cổ đông HBC đã bị phân hóa đáng kể.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 (tổ chức vào tháng 9/2019), Hòa Bình có tổng cộng 13.123 cổ đông sở hữu 196 triệu cổ phiếu, trong đó có 466 cổ đông tham gia, đại diện cho 63,31% vốn điều lệ công ty.

4 năm sau (tính đến tháng 8/2022), ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 ghi nhận tổng số cổ đông tăng gấp 3,5 lần lên 47.822 cá nhân/tổ chức sở hữu 245,6 triệu cổ phiếu, trong đó đại hội có sự tham gia của 329 cổ đông, đại diện 51,93% cổ phần của công ty, giảm khá mạnh so với con số 4 năm trước.

Hòa Bình đang làm ăn ra sao?

Hòa Bình hiện đang là chủ thầu dự án Khu đô thị Bắc Luân Móng Cái của Vinhomes. Ảnh: Võ Quyền

Hòa Bình hiện đang là chủ thầu dự án Khu đô thị Bắc Luân Móng Cái của Vinhomes. Ảnh: Võ Quyền

Tập đoàn Hòa Bình có tiền thân là Văn phòng Xây dựng Hòa Bình, được thành lập năm 1987. Dưới sự lãnh đạo của doanh nhân Lê Viết Hải, HBC đã khẳng định tên tuổi và tầm vóc trong lĩnh vực xây dựng dân dụng với nhiều công trình lớn trên địa bàn cả nước.

Đà tăng trưởng của HBC là khá nổi trội trong hơn 10 năm qua. Dữ liệu cho thấy, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận các năm từ 2012 – 2019 đều ghi nhận tăng trưởng tốt, riêng năm 2017 HBC còn đạt lợi nhuận kỷ lục 860 tỷ đồng. Đà tăng của HBC chững lại kể từ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng doanh thu mỗi năm vẫn trên mốc 10.000 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của HBC là khoản phải thu liên tục tăng. Theo đó, HBC ghi nhận doanh thu/chi phí hợp đồng xây dựng qua ước tính và xác nhận từ khách hàng. Sự chênh lệch giữa tổng doanh thu và tiền thực thu được ghi nhận vào khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng trên bảng cân đối kế toán hợp nhất.

Bên cạnh đó, dòng tiền kinh doanh của HBC ghi nhận âm trong hầu hết các năm tài chính trong 10 năm qua. Doanh nghiệp theo đó phải sử dụng dòng tiền đầu tư tài chính như vay nợ hoặc như đã nói ở trên là phát hành cổ phiếu riêng lẻ để bù đắp.

Trong 2 năm gần đây (2020-2022), lĩnh vực xây dựng và bất động sản gặp khó khi giá nguyên liệu tăng, doanh nghiệp bất động sản vốn là chủ đầu tư khó huy động vốn, ảnh hưởng của dịch Covid-19…, việc hàng loạt chủ đầu tư không thể thanh toán tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng cũng rơi vào tình trạng khó chồng khó.

Dòng tiền kinh doanh âm trong khi vay tài chính ngân hàng tăng cao, cộng với phải thực hiện nhiều dự án, HBC gặp nhiều khó khăn trong việc xoay sở dòng tiền.

Tính tại thời điểm 30/9/2022, các khoản phải thu ngắn hạn của Hòa Bình là 13.355 tỷ đồng, trong đó 6.164 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn khách hàng; 5.116 tỷ đồng phải thu theo tiến độ khách hàng hợp đồng xây dựng; 1.783 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác.

Đây là áp lực tài chính không nhỏ đối với HBC, trong bối cảnh các chủ đầu tư, đối tác của HBC - vốn là các doanh nghiệp bất động sản cũng đang gặp khó khăn về dòng tiền.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle. Ảnh: Bosch Vietnam

Chân dung tân Chủ tịch EuroCham

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới công bố Hội đồng quản trị năm 2024 và bổ nhiệm ông Dominik Meichle, Tổng Giám đốc điều hành của Bosch Việt Nam, làm tân chủ tịch.