Tối ưu khả năng thương mại hóa trong hợp tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia

Đổi mới Australia
14:18 - 16/06/2022
Dự án nhà nổi tại Việt Nam trong chương trình đổi mới sáng tạo do Australia tài trợ.
Dự án nhà nổi tại Việt Nam trong chương trình đổi mới sáng tạo do Australia tài trợ.
0:00 / 0:00
0:00
Australia là một đối tác quan trọng trong việc hỗ trợ chương trình hội nhập và cải cách kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên, còn nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa được khai thác hết.

Việt Nam hiện là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, hấp dẫn các nhà đầu tư, trong đó Australia đứng trong nhóm 20 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với khoảng 550 dự án, tương đương khoảng 2,5 tỷ USD trong năm 2021.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Hợp tác công nghệ và thương mại Việt - Australia” với chủ đề chuyển giao công nghệ và cơ hội kinh doanh giữa các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng chuyển đổi số, ngày 16/6, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ, những hoạt động hợp tác công nghệ - thương mại giữa Việt Nam – Australia đang ngày càng được đẩy mạnh.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2019, Thủ tướng Australia và Thủ tướng Việt Nam đã đồng ý phát triển chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước, với mục tiêu tăng trưởng gấp đôi đầu tư và thương mại song phương, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hai nước, tăng thu nhập, tạo việc làm và cơ hội cho người lao động và doanh nghiệp hai bên.

Ảnh tác giả

“Ngoài khuôn khổ kinh doanh, Việt Nam – Australia đang có sự kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đã triển khai được hơn 4 năm với có nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy, chuyển giao công nghệ được diễn ra liên quan đến phát triển kinh tế số đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Do đó việc tổ chức các chương trình nhằm nâng cao năng lực xúc tiến, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, cố vấn chuyên môn cho doanh nghiệp hai nước là điều hết sức cần thiết và cần được tổ chức thường xuyên”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy

Trong khi đó, bà Sarah Hooper, Tổng lãnh sự quán Australia tại TP HCM nhận định, kinh tế Việt Nam – Australia có sự bổ trợ cho nhau nên việc tăng cường hợp tác sẽ giúp kinh tế hai nước có được những thành tựu nhất định.

Khi kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam – Australia sẽ mở ra cơ hội chia sẻ, thông tin, nhất là khi tạo lập hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có tiềm năng vô hạn sẽ là cầu nối để Việt Nam kết nối vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Những cam kết năng lượng sạch sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết COP26. Các đối tác ở Australia có thể làm việc với Việt Nam về các cơ hội mới trong năng lượng tái tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng sạch.

Ảnh tác giả

“Năng lượng sạch chỉ là một trong những dẫn chứng cho thấy doanh nghiệp 2 bên có thể tối ưu hóa những khả năng kinh tế khi hợp tác kinh tế nhất là đối với mạng lưới đổi mới sáng tạo. Các FTA giữa Việt Nam – Australia như CPTPP hay Việt Nam – Australia – ASEAN sẽ thúc đẩy hơn những cơ hội thương mại và đầu tư với nhiều thuận lợi về kinh tế và chính sách. Doanh nghiệp 2 bên sẽ được hưởng các lợi ích vô hình và hữu hình từ đây”.

Bà Sarah Hooper, Tổng lãnh sự quán Australia tại TP HCM

Tạo đầu vào cho đổi mới sáng tạo bằng thương mại hóa

Đa phần các doanh nghiệp công nghiệp ở Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu, tiếp cận công nghệ mới để tăng năng suất và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Do đó việc tổ chức các chương trình nhằm nâng cao năng lực xúc tiến, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, cố vấn chuyên môn cho doanh nghiệp hai nước là điều hết sức cần thiết và cần được tổ chức thường xuyên.

Với nhìn nhận này, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub cho rằng, tư tưởng đổi mới sáng tạo không chỉ dành cho cộng đồng startup mà còn hình thành mạnh mẽ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cộng đồng đổi mới sáng tạo cả nước.

Ảnh tác giả

“Chúng tôi nhận ra khoa học công nghệ có vai trò quan trọng trong đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, từ khoa học công nghệ đến thương mại hóa là cả một chặng đường dài. Thương mại hóa sẽ thúc đẩy động lực và tạo đầu vào cho đổi mới sáng tạo, do vậy yêu cầu rất nhiều về khả năng quản trị của các nhà lãnh đạo và sự thay đổi của các nhà nghiên cứu, trường đại học làm sao để biến các nghiên cứu thành tài sản, sớm đưa kết quả nghiên cứu vào đời sống”.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub

Trong khi đó, với tư cách là nhà thầu của các tập đoàn lớn như Samsung, Hiệp Phát…. trong lĩnh vực tái chế năng lượng của Việt Nam, ông Trương Đồng Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Ngôi Sao Vàng - thành viên của Hiệp hội năng lượng Việt Nam chia sẻ, nhu cầu năng lượng sinh khối ở Việt Nam rất lớn. Doanh nghiệp của ông vừa trúng liên tiếp 3 – 4 hợp đồng cho các tập đoàn nhưng phải tăng giá để rớt thầu vì không đủ khả năng đáp ứng.

Năng lượng sinh khối có nhiều tiềm năng ở Việt Nam vì có cơ sở nền nông nghiệp lúa nước lâu đời, mỗi năm thải ra 40 triệu tấn rơm rạ, 810 triệu tấn trấu, 25 triệu tấn cành ngọn gỗ, gốc cây… Trong khi giá xuất khẩu sinh khối đang có giá trị cao sẽ tạo ra nguồn thu kinh tế lớn.

Tuy nhiên, theo ông Tâm, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chưa được hưởng những quyền lợi thiết thực về vốn đầu tư, đất đai xây dựng, lãi suất.... làm cho năng lượng sinh khối chưa phát triển đúng với tiềm năng thực tế và chưa thực sự đi sâu vào đời sống xã hội.

Cũng liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, một đại diện khác đến từ Australia, ông David Halliday, Giám đốc cấp cao của Công ty Active Research Pty gợi ý, hoạt động tạo ra năng lượng sạch từ hữu cơ theo mô hình truyền thống trước đây như ủ phân tạo ra năng lượng từ chất thải như rơm rạ, cho đến chất thải thực phẩm, glycerine, trái cây bỏ đi sẽ có thể giúp ích cho Việt Nam – nơi có nền kinh tế nông nghiệp trọng điểm có thể sử dụng tốt nguồn nhiên liệu sạch.

Diễn đàn là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình tăng cường hợp tác kinh tế giữa Chính phủ Australia và Việt Nam (Australia-Vietnam Enhanced Economic Engagement Grant-AVEG), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, chuyển giao giải pháp, công nghệ trong lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng chuyển đổi số.

Tin liên quan

Đọc tiếp