Theo Báo cáo tài chính của CTCP Tôn Đông Á, quý I/2022, mức giá vốn hàng bán của công ty cũng gấp 1,2 lần, lên 5.773 tỷ đồng. Vì vậy lợi nhuận gộp vẫn đạt 541 tỷ đồng, gấp 1,4 lần con số cùng kỳ.
Năm nay, doanh thu tài chính của Tôn Đông Á tăng gấp 3,2 lần, lên 93 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính cũng tăng 1,8 lần lên 73 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí bán hàng gấp 2,2 lần cùng kỳ lên 281 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ tăng 11% so với năm trước, lên 205 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Tôn Đông Á đạt 15.399 tỷ đồng, tăng 22% so với con số đầu năm. Trong đó, chiếm 42% tổng tài sản là lượng hàng tồn kho, đạt 6.464 tỷ đồng, tăng 46% so với con số 4.427 tỷ đồng ngày đầu năm.
Tính đến hết quý I/2022, khoản nợ phải trả ngắn hạn của công ty đã tăng 28% so với đầu kỳ lên 11.204 tỷ đồng. Chủ yếu do mức tăng của các khoản phải trả người bán ngắn hạn, khoản phải trả ngắn hạn khác, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn với mức tăng lần lượt là 56%, 27% và 11%, đạt lần lượt là 3.674 tỷ đồng, 2.970 tỷ đồng và 4.259 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của Tôn Đông Á cũng tăng 17% lên 4.050 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu tăng 12% lên 1.147 tỷ đồng nhờ đợt IPO ngày 22/3. Với lần tăng vốn này, vốn điều lệ của công ty đã tăng gấp 10 lần vốn điều lệ ban đầu năm 2009. Thặng dư vốn cổ phần cũng tăng 80% lên 834 tỷ đồng, và mức tăng của lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 5% lên mức 2.063 tỷ đồng.
Hồi cuối tháng 3, Tôn Đông Á đã thành công chào bán 15,35 triệu cổ phiếu, thu về 614 tỷ đồng nhờ đợt IPO. Công ty dự định sử dụng số tiền huy động được để đầu tư mở rộng nhà máy thứ 3 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, chuyên sản xuất sản phẩm thép mạ dùng cho ngành xây dựng, sản xuất thiết bị gia dụng và xe hơi. Nhà máy dự kiến khởi công trong quý 1/2022, với công suất giai đoạn 1 ước tính đạt 350.000 tấn, dự kiến khi hoàn tất 3 giai đoạn đầu tư, tổng công suất sẽ đạt 1,2 triệu tấn/năm. Với nhà máy này, Tôn Đông Á đặt tham vọng trở thành công ty nội địa đầu tiên cung cấp sản phẩm cho các công ty xe hơi.
Năm 2022, Tôn Đông Á đánh giá cao tiềm năng của ngành sản xuất tôn, thép nhờ được hưởng lợi từ chủ trương đầu tư công với gói kích thích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng lên tới 114 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Ban Tổng Giám đốc công ty cũng nhận định rằng năm nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn với ngành kinh tế nói chung và ngành thép nói riêng, đặc biệt là khi không còn điều kiện thuận lợi về nguyên liệu tôn, thép và giá nguyên vật liệu, năng lượng sản xuất tăng cao do ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine. Trước tình hình trên, Tôn Đông Á đặt mục tiêu duy trì sản lượng sản xuất, giữ vững lợi nhuận khả quan của năm 2021.
Hiện Tôn Đông Á là hãng thép lá mạ lớn thứ 3 tại Việt Nam, với sản phẩm chính là các dòng tôn mạ dùng trong xây dựng. Với 2 nhà máy tại khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Đồng An 2 thuộc tỉnh Bình Dương, hàng năm Tôn Đông Á có khả năng cung cấp cho thị trường khoảng 850.000 tấn và giữ vững vị trí thứ 2 tại thị trường nội địa, chiếm thị phần cao nhất ở các tỉnh miền Nam.