Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thu Hằng (giữa) chủ trì đại hội. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN |
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của CTCP One Capital Hospitality (HNX: OCH) ngày 15/5, một trong những vấn đề được quan tâm là việc công ty lên kế hoạch lợi nhuận đi lùi mạnh so với năm 2023.
Cụ thể, OCH lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 1.078 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2023, tuy nhiên do tổng chi phí dự kiến tăng mạnh, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 42,66 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ.
ĐHĐCĐ OCH: Kế hoạch kinh doanh thận trọng
Trả lời cổ đông, ông Lê Đình Quang – Tổng giám đốc OCH cho biết vào cuối năm 2023, công ty có một khoản vay ngân hàng lớn để phục vụ mục đích mua bán và sáp nhập (M&A). Khoản vay ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh năm 2024, khiến chi phí tăng 14%, tương ứng 120 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm hơn 60%.
“Câu hỏi đặt ra là tại sao lại đi vay. Chúng tôi đã họp và đánh giá, với thương hiệu và sản phẩm thực phẩm hiện có (mảng đem lại lợi nhuận chủ yếu), sẽ khó có thể phát triển, mang lại sự đột phá. Mảng khách sạn trước Covid hoạt động tốt, sau Covid chưa hồi phục hoàn toàn,” ông Quang chia sẻ với cổ đông.
Tổng giám đốc OCH cho biết, để có động lực phát triển vượt bậc, công ty quyết định phải mua bán và sáp nhập. Công ty có thể đi mua những công ty vừa và nhỏ, có những sản phẩm và thị trường phù hợp. Việc này có thể được thực hiện bằng vốn tự có và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vào cuối năm 2023, OCH đã mua Công ty Kem Tín Phát và Công ty thực phẩm JP Food.
Một chiến lược M&A khác, là mua và sáp nhập công ty ngang bằng hoặc lớn hơn để có sự phát triển vượt bậc. Theo ông Quang, năm ngoái cơ hội đã tới với OCH.
Để triển khai việc này, công ty cần rất nhiều tiền. Công ty có thể tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu, tuy nhiên trong điều kiện hiện tại, tăng vốn sẽ không có lợi cho cổ đông khi cổ đông hiện hữu sẽ bị pha loãng. Do đó, công ty quyết định đi vay ngân hàng và đã từng bước hiện thực hóa việc sáp nhập một công ty có bất động sản du lịch khá lớn.
“Ở thời điểm hiện tại, vay được vốn ngân hàng cũng là một minh chứng cho nội lực của OCH. Thực tế công ty phải có tài sản, có tiền thế chấp và kế hoạch kinh doanh tốt, ngân hàng mới có thể giải ngân được,” ông Lê Đình Quang chia sẻ với cổ đông.
Theo Tổng giám đốc Lê Đình Quang, sang năm 2024, OCH sẽ tiếp tục triển khai định hướng này, có thể mua thêm những công ty có sản phẩm phù hợp, hoàn thiện nốt việc sáp nhập với công ty, đối tác lớn để có thể có sự phát triển đột biến.
Tại ngày 31/12/2023, OCH ghi nhận khoản vay 1.400 tỷ đồng đối với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), tương đương 84% tổng dư nợ tài chính. Tính đến cuối quý 1/2024, dư nợ giảm xuống còn 1.390 tỷ đồng.
Đây là khoản vay dài hạn của CTCP Bánh Givral – công ty con của OCH với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) theo hợp đồng tín dụng ngày 13/12/2023 để mua lại phần vốn của Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng. Thời hạn vay đến ngày 16/12/2030, lãi suất vay là 7%/năm.
Khoản vay được đảm bảo bằng toàn bộ cổ phần và các quyền liên quan đến cổ phần của Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng tại CTCP IDS Equity Holdings, các hợp đồng tiền gửi của CTCP One Capital Hospitality và một thửa đất tại TP Nha Trang của Công ty TNHH MTV Sao hôm Nha Trang.
Dữ liệu của Mekong ASEAN cho thấy, tính đến ngày 13/12/2023, Sản xuất Bình Hưng sở hữu 33,6 triệu cổ phần của CTCP IDS Equity Holdings.