'Tổng nguồn các nhà máy điện 81.500 MW, hoàn toàn có thể đảm bảo điện'

Điện Việt nAM
19:46 - 03/06/2023
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, với quy mô tổng công suất đặt đạt 81.504 MW, nếu đảm bảo các tổ máy không gặp sự cố, nhiên liệu đủ, điều tiết nước các hồ hợp lý thì có thể khắc phục vấn đề thiếu điện và đảm bảo điện cho đời sống và sản xuất.

Tại họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 3/6, báo chí đã đặt câu hỏi về việc với nguy cơ thiếu điện, các giải pháp để bảo đảm điện cho sinh hoạt và sản xuất trong thời gian tới là gì và việc giải quyết các dự án điện gió, điện mặt trời không nằm trong quy hoạch tới đây sẽ xử lý như thế nào.

Tình trạng thiếu than, nắng nóng là nguyên nhân chính làm thiếu điện

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bày tỏ chia sẻ khó khăn của một số doanh nghiệp, cũng như sự bất tiện, nỗi khổ của người dân trong sinh hoạt, trong cuộc sống hằng ngày, nhưng ông khẳng định đây chỉ là trong một thời gian nhất định.

Trong 4 tháng đầu năm tình hình cung cấp điện ổn định. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, tình trạng nắng nóng kỷ lục đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước và diễn biến khó lường, dự kiến còn có thể tiếp tục kéo dài sang tháng 6.

"Tình trạng này đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt, trong khi đó lưu lượng nước về các hồ thủy điện lại rất thấp, đặc biệt là tại các hồ thủy điện miền Bắc, gây ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện trong mùa khô năm 2023, nhất là trong thời gian đến cuối tháng 5 khi nguồn than nhập khẩu về chậm hơn nhu cầu", Thứ trưởng nêu nguyên nhân.

'Tổng nguồn các nhà máy điện 81.500 MW, hoàn toàn có thể đảm bảo điện' ảnh 1

Ba giải pháp không để thiếu điện

Thứ trưởng khẳng định, dự báo trước tình hình, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chủ động theo dõi sát tình hình để đảm bảo nguồn cung, nhiên liệu cho phát điện.

Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo cung ứng điện trong thời gian ngắn nhất. Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp nhằm cung ứng điện trong các tháng cao điểm nắng nóng. Có 3 giải pháp chính đã được Bộ Công thương triển khai thực hiện.

Thứ nhất, đảm bảo tăng cường công tác vận hành hệ thống điện sẵn có, đảm bảo cung cấp nhiên liệu sản xuất điện.

Thứ hai, đưa các nhà máy điện năng lượng tái tạo trực tiếp vào lưới điện.

Thứ ba là triển khai, phát động các biện pháp tiết kiệm điện. Không chỉ thiếu điện mới tiết kiệm điện mà đây là chủ trương xuyên suốt. Tính trung bình, kết quả sản lượng tiết kiệm hàng ngày khoảng 20 triệu kWh, tương đương hơn 20% công suất hàng ngày.

Thứ trưởng khẳng định, thời điểm đang thiếu điện, việc tiết kiệm điện này càng phải được quan tâm và phải làm rất quyết liệt.

Bộ cũng đã tổ chức phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 kêu gọi và đề nghị UBND các tỉnh thành phố, các bộ, ngành Trung ương có liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, liên tục, bằng nhiều hình thức phù hợp về sử dụng điện tiết kiệm.

Hiện nay đã có 55/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện, tiết kiệm điện trên địa bàn. Kết quả sản lượng điện tiết kiệm hằng ngày đạt mức khoảng 20 triệu kWh/ngày (tương đương khoảng 2,5% điện năng tiêu thụ hằng ngày).

"Trong thời gian tới, với quy mô tổng công suất đặt đạt 81.504 MW, trong khi nhu cầu phụ tải cao nhất là hơn 44.000 MW, nếu đảm bảo các tổ máy không gặp sự cố, vận hành tin cậy, nhiên liệu đủ, điều tiết nước các hồ hợp lý, thì chúng ta có thể khắc phục vấn đề thiếu điện và đảm bảo điện cho đời sống người dân và sản xuất của doanh nghiệp", Thứ trưởng khẳng định.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng ngay từ đầu tháng 5 đã chỉ đạo nhiều cuộc họp, yêu cầu không thể thiếu điện. Trong đó tập trung các giải pháp đảm bảo nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí và điện chạy dầu, huy động nguồn năng lượng tái tạo.

Hiện nay, tổng nguồn các nhà máy điện khoảng 81.000 MW, sử dụng thời điểm cao nhất chỉ 44.000 MW, theo đó, có thể hoàn toàn yên tâm. Vấn đề là sử dụng và vận hành hệ thống

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ - Ảnh: VGP
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ - Ảnh: VGP

Dự án điện gió, điện mặt trời không nằm trong quy hoạch, đã có văn bản hướng dẫn

Về việc giải quyết đối với dự án điện tái tạo không nằm trong quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết vừa qua Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII trong đó nêu tổng công suất các nguồn điện tái tạo dự kiến và không có dự án cụ thể nào.

Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện kế hoạch sẽ cụ thể hóa quy mô công suất, tiến độ các dự án theo từng địa phương để báo cáo Thủ tướng phê duyệt.

Đối với dự án không nằm trong quy hoạch, ông Đỗ Thắng Hải thông tin, Bộ Công Thương đã có văn bản hướng dẫn để giải quyết vấn đề này. Cụ thể, Bộ Công Thương đôn đốc Tập đoàn Điện lực (EVN) và chủ đầu tư khẩn trương đàm phán, thống nhất giá điện.

"Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án là cần thiết. Tuy nhiên, ngoài vấn đề cơ chế giá điện, các dự án phải tuân thủ quy định pháp luật. Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN và các tỉnh hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định", ông Đỗ Thắng Hải nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng bày tỏ hy vọng các dự án không nằm trong quy hoạch sớm khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, thậm chí vi phạm để đưa điện vào mạng lưới, đảm bảo điện cho sản xuất, cũng như đời sống nhân dân.

Tin liên quan

Đọc tiếp