Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters |
“Tôi tự tin rằng chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận cần thiết về ngân sách và nước Mỹ sẽ không vỡ nợ”, Tổng thống Biden cho biết trong bài phát biểu ngắn tại Nhà Trắng, ngay trước khi lên đường tới Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh G7, theo AFP.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng rút ngắn lịch trình chuyến công du khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả cuộc gặp với Thủ tướng Australia để quay trở lại Washington vào ngày 21/5 để tham gia cuộc đàm phán trần nợ "cuối cùng".
Trong tuần này, ông Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội bao gồm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã tổ chức 2 vòng đàm phán trực tiếp để cố gắng đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công của Mỹ và cho phép thanh toán các nghĩa vụ nợ hiện có. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa đạt được tiến triển nào.
"Thực tế, vấn đề không nằm ở việc liệu chúng tôi có trả các khoản nợ hay không. Tất cả các nhà lãnh đạo đều đồng ý rằng nước Mỹ sẽ không vỡ nợ", ông Biden nói.
Trong khi đó, nói với các phóng viên tại Đồi Capitol cùng ngày, ông McCarthy cho rằng đã hết thời gian để tìm một thỏa thuận vì “thời gian biểu của chúng ta rất ngắn”. Ông nói thêm rằng Tổng thống Biden và Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer “cuối cùng đã từ bỏ ý tưởng chỉ cần nâng trần nợ".
“Tôi lạc quan về khả năng chúng ta làm việc cùng nhau. Câu hỏi duy nhất về việc liệu chúng ta có vỡ nợ hay không chính là ở Tổng thống Biden”, ông McCarthy tuyên bố.
Phe Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đang yêu cầu cơ quan hành pháp phải cắt giảm chi tiêu đáng kể nếu muốn họ phê duyệt thỏa thuận nâng trần nợ. Trong khi đó, đảng Dân chủ cáo buộc đảng Cộng hòa sử dụng các chiến thuật cực đoan để thúc đẩy chương trình nghị sự của họ.
Trước khi hạn chót 1/6 tới - ngày mà Mỹ có thể vỡ nợ và dẫn tới các ảnh hưởng sâu rộng trong nền kinh tế, các nhà đàm phán cần phải chạy đua hết tốc lực với thời gian. Trong một phát biểu đầu tuân này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố ngày X - thời gian vỡ nợ của quốc gia - sẽ không thay đổi, còn Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự báo rằng điều này có thể xảy ra vào ngày 15/6.
Trước những lo ngại về viễn cảnh vợ nợ, hơn 140 giám đốc điều hành doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu của Mỹ hôm 16/5 đã gửi thư cho Tổng thống Biden và các lãnh đạo Quốc hội, nhấn mạnh sự cần thiết của một thỏa thuận ngăn chặn thảm họa.
“Chúng tôi cực kỳ mong muốn đạt được một thỏa thuận nhanh chóng để đất nước có thể ngăn chặn viễn cảnh tàn khốc có thể xảy ra”, bức thư có chữ ký của các CEO Pfizer và Morgan Stanley và những người khác cho biết.