Trả lời các phóng viên tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ sau cuộc điện đàm, Reuters trích dẫn ông McCarthy cho biết ông và Tổng thống Biden đã có những thảo luận tích cực về việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công. Vì vậy, ông tuyên bố sẽ gặp mặt Tổng thống vào ngày 22/5 nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán cấp thấp hơn cũng đã được nối lại từ 21/5. Các đại diện đàm phán của 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đã được triệu tập tại văn phòng của ông McCarthy tại Điện Capitol tối ngày 21/5 trong một cuộc họp kéo dài 2 tiếng rưỡi. Sau khi rời cuộc họp, Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Steve Ricchetti chỉ cho biết các nhà đàm phán “sẽ tiếp tục làm việc” tối ngày 22/5.
Khi nhận định về triển vọng của cuộc họp lần này sau cuộc điện đàm với Tổng thống ngày 21/5, Chủ tịch Hạ viện cho biết biết 2 bên vẫn “chưa có thỏa thuận nào, chúng tôi vẫn chia rẽ trong quan điểm”.
Tuy nhiên, ông khẳng định: “Các nhóm của 2 bên đang bàn luận và chúng tôi cũng đang chuẩn bị để thảo luận tiếp vào ngày mai. Đây là một diễn biến tích cực hơn so với trước đó”. Ông giải thích: “Những gì tôi đang xem xét là sự khác biệt nằm ở đâu và làm thế nào để giải quyết những điều đó, và tôi cảm thấy phần này mang tính tích cực”.
Các diễn biến xung quanh các cuộc thảo luận về trần nợ công cho tới hiện tại chưa có dấu hiệu đạt được sự đồng thuận. Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là tới 1/6 – ngày mà Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ liên bang có thể sẽ không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ của mình. Tái khẳng định điều này ngày 21/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết thất bại trong việc dỡ bỏ trần nợ sẽ dẫn tới tình trạng vỡ nợ, gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính và khiến lãi suất tăng vọt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản ngày 21/5. Ảnh: Reuters |
Trước bình luận tích cực của ông McCarthy, cả 2 bên trong những ngày gần đây đều chỉ trích lập trường của bên còn lại là cực đoan trong khi cuộc đám phán bị đình trệ. Trước khi rời Nhật Bản sau Hội nghị Thượng đỉnh G7 ngày 21/5, Reuters dẫn lời Tống thống Mỹ cho biết ông sẵn sàng cắt giảm chi tiêu cùng với điều chỉnh thuế để đạt được thỏa thuận nhưng đề nghị mới nhất của đảng Cộng hòa là "không thể chấp nhận được".
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Hiroshima, ông Biden cho biết: “Đã đến lúc các đảng viên Cộng hòa chấp nhận rằng không có một thỏa thuận lưỡng đảng nào được thông qua chỉ dựa trên các điều khoản của đảng phái họ. Họ cũng cần phải thỏa thuận”.
Quan điểm của ông McCarthy cùng các đảng viên Cộng hòa là ủng hộ việc tăng ngân sách quốc phòng trong khi cắt giảm chi tiêu tổng thể. Đồng thời, các cuộc đàm phán về trần nợ không bao gồm các cuộc thảo luận về cắt giảm thuế được thông qua dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định ông sẽ không bao giờ đồng ý với một thỏa thuận nhằm bảo vệ các khoản trợ cấp cho “các công ty dầu mỏ lớn” và “những người giàu gian lận thuế” trong khi cắt giảm các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và thực phẩm của hàng triệu người dân Mỹ.
Lần cuối cùng Mỹ tiến gần đến tình trạng vỡ nợ như hiện tại là vào năm 2011 cũng với một Tổng thống thuộc đảng Dân chủ và một Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số. Quốc hội cuối cùng đã ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ, nhưng nền kinh tế số 1 thế giới vào thời điểm đó đã phải chịu đựng những cú sốc, bao gồm việc bị hạ xếp hạng tín dụng lần đầu tiên và một đợt bán tháo cổ phiếu lớn.