Top 10 lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý 1/2023 có sự xáo trộn

NGÂN HÀNG Việt nAM
08:34 - 03/05/2023
Vietcombank giành lại vị trí quán quân về lợi nhuận toàn ngành ngân hàng trong quý 1/2023.
Vietcombank giành lại vị trí quán quân về lợi nhuận toàn ngành ngân hàng trong quý 1/2023.
0:00 / 0:00
0:00
Trong quý đầu năm nay, danh sách 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất đã có sự thay đổi đáng kể, với sự tụt hạng từ vị trí quán quân trong quý 1/2022 xuống cuối cùng trong Top 10 của VPBank và việc lấy lại vị thế của BIDV.

Tính đến ngày 3/5 hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 và hé lộ kết quả lợi nhuận đạt được sau 3 tháng đầu năm. Danh sách Top 10 lợi nhuận ngành vẫn là những cái tên quen thuộc bao gồm 3 ông lớn Vietcombank, Vietinbank, BIDV và nhóm các ngân hàng thương mại gồm MB, Techcombank, ACB, VPBank, SHB, HDBank và sự xuất hiện của ngân hàng VIB.

Trong kỳ, Vietcombank đã quay trở lại vị trí quán quân với con số lợi nhuận đạt hơn 11.200 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Nhìn lại quý 1/2022, Vietcombank tạm bị VPBank vượt lên dẫn đầu do ngân hàng này có nguồn thu đột biến từ thoả thuận bảo hiểm độc quyền bancassurance ký kết trong đầu năm 2022.

Trong khi đó, VPBank lại chứng kiến cú lao dốc khi tụt xuống vị trí cuối cùng trong Top 10, do năm nay ngân hàng không còn khoản thu nhập bất thường. Đặc biệt, VPBank đã phải đẩy mạnh chi phí vốn và trích lập dự phòng tăng 55% do nợ xấu tăng mạnh. Xét về tốc độ tăng trưởng, VPBank là ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất ngành khi âm tới 77% so với cùng kỳ.

Ngân hàng giữ vị trí á quân thuộc về BIDV khi leo lên từ vị trí thứ 6 trong quý 1/2022 với tăng trưởng lợi nhuận tới 53% trong 3 tháng đầu năm 2023 - mức tăng cao nhất toàn ngành ngân hàng do giảm bớt gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro.

Vị trí thứ 3 thuộc về ngân hàng MB với lợi nhuận trước thuế đạt 6.512 tỷ đồng, tăng 1 bậc so với cùng kỳ với lợi thế về tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lớn và sự phát triển mạnh mẽ của ngân hàng số.

MB tăng trưởng lợi nhuận nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng số. (Ảnh: Sơn Quách)

MB tăng trưởng lợi nhuận nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng số. (Ảnh: Sơn Quách)

Vị trí thứ tư về lợi nhuận năm nay thuộc về VietinBank với lợi nhuận đạt 5.980 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Như vậy, cả 3 ngân hàng quốc doanh đều góp mặt trong Top các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận cao, cho thấy nền tảng vững chắc của khối ngân hàng này.

Trong khi đó, á quân lợi nhuận liên tiếp nhiều năm trước là Techcombank lại bị lùi xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng quý 1/2023, với lợi nhuận trước thuế đạt 5.623 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Techcombank sụt giảm là do chi phí lãi tăng mạnh, đến từ việc trả lãi tiền gửi cho khách hàng lên cao do lãi suất huy động tăng mạnh thời gian qua. Điều này dẫn đến thu nhập lãi thuần giảm tới 19,5% so với cùng kỳ.

Mặc dù vậy, điểm sáng là nhiều hoạt động kinh doanh phi tín dụng khác vẫn có kết quả khả quan.

Ngoài VPBank đứng vị trí cuối cùng, 4 ngân hàng còn lại trong Top 10 bao gồm ACB, SHB, HDBank và VIB. Trong đó, VIB là gương mặt mới so với cùng thời điểm năm ngoái, thay thế cho ngân hàng Sacombank.

Vị trí 6 gọi tên ACB với lãi trước thuế đạt 5.156 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, tăng 25%. Mức lợi nhuận này của ACB được hỗ trợ bởi thu nhập lãi thuần 14%, đạt hơn 6.215 tỷ đồng; lãi kinh doanh ngoại hối tăng 44%, đạt 438 tỷ đồng; mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 43 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 11 tỷ đồng.

ACB cũng là một trong những ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần.

SHBHDBank là 2 ngân hàng cùng tăng trưởng một bậc so với cùng kỳ, giành vị trí thứ 7 và 8 trong bảng xếp hạng này với lợi nhuận lần lượt đạt hơn 3.500 tỷ đồng và 2.743 tỷ đồng, tăng 10,3% và 9% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy không phải lần đầu xuất hiện trong Top 10, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, VIB đã có sự tăng trưởng đáng kể khi đứng ở vị trí 9/10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hiện tại. Là ngân hàng đầu tiên tiết lộ kết quả kinh doanh quý 1/2023, VIB ghi nhận lãi gần 2.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18% so với cùng kỳ dù đã tăng mạnh dự phòng rủi ro lên hơn 668 tỷ đồng, tăng tới gần 70% so với quý 1/2022.

VIB góp mặt trong top 10 với lợi nhuận tăng trưởng dù trích lập dự phòng một khoản không nhỏ. (Ảnh: Sơn Quách)

VIB góp mặt trong top 10 với lợi nhuận tăng trưởng dù trích lập dự phòng một khoản không nhỏ. (Ảnh: Sơn Quách)

Mặc dù bị loại khỏi Top 10 trong quý 1/2023, Sacombank vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao với gần 2.383 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Năm 2023, ngân hàng này đặt mục tiêu lãi trước thuế là 9.500 tỷ đồng, như vậy Sacombank đã thực hiện được đúng kế hoạch lãi 25% sau quý đầu năm.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất đến thời điểm này là NCB, Saigonbank, PGBank, Kienlongbank, BacABank, ABBank…

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 diễn ra trong tháng 4 vừa qua, nhiều ngân hàng đều nhìn nhận 2023 là năm nhiều thử thách với những vấn đề như nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, thị trường bất động sản và trái phiếu đóng băng.

Do đó, kế hoạch kinh doanh cả năm đều được các ngân hàng đặt mục tiêu thận trọng. Một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn như Techcombank, VPBank, MB, SHB, ACB đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức dưới 20% trong năm 2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.