TP HCM ký hợp tác về 6 lĩnh vực với vùng ĐBSCL

Tp hcm ĐBSCL
21:50 - 11/03/2023
Lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Ảnh: TTXVN.
Lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Ảnh: TTXVN.
0:00 / 0:00
0:00
Trong giai đoạn tiếp theo của chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và ĐBSCL, hai bên xác định 6 trọng tâm hợp tác gồm giao thông, du lịch, đầu tư-thương mại, thích ứng biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế

Ngày 11/3, tại Bến Tre, UBND TP HCM phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai bên.

Theo báo cáo của UBND TP HCM, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL (chương trình hợp tác) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên nhiều lĩnh vực.

Nhiều dự án hợp tác được triển khai một cách hiệu quả, đã góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng.

Các doanh nghiệp của TP HCM đã tìm kiếm được cơ hội và lợi ích khi đầu tư tại vùng ĐBSCL, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp. Đồng thời, thị trường tiêu thụ của TP HCM có được đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn và ổn định.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đánh giá, chương trình hợp tác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút dự án từ các nhà đầu tư TP HCM cho các địa phương trong vùng.

Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre

Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre

"Sự hợp tác toàn diện giữa TP HCM và các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL được xem là sự hợp tác mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững. Góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước".

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

Tiếp tục phát triển chương trình hợp tác trong thời gian tới, hội nghị đã chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác kết nối chung giữa TP HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đến năm 2025, với 6 lĩnh vực trọng tâm gồm: phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh, sự phát triển của TP HCM có sự đóng góp rất lớn của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, TP HCM sẽ tiếp tục tập trung cùng các địa phương triển khai các nội dung ký kết một cách có kết quả.

Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre

Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre

"Sau hội nghị, TP HCM sẽ chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng năm cho chương trình hợp tác. Các hiệp hội, doanh nghiệp, những nhà đầu tư cần quan tâm nghiên cứu tìm hiểu quy hoạch của từng vùng, địa phương để lựa chọn đầu tư.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM

Lãnh đạo TP HCM cũng cho biết sẽ cùng các tỉnh sẽ hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, từ đó tranh thủ thu hút, dịch chuyển dòng đầu tư về vùng ĐBSCL.

Nhiều trọng tâm hợp tác được đề xuất

Tham luận tại hội nghị, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào 5 ngành hàng chủ lực lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng, sen; nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí phục vụ nông nghiệp, du lịch, công nghiệp cơ khí phục vụ công nghiệp; cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến, chế tạo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề xuất cần thống nhất quan điểm rằng liên kết phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và TP HCM là vấn đề chung, đòi hỏi sự đồng lòng của tất cả địa phương trong vùng, TP HCM và cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, Long An đề xuất thành lập Hội đồng liên kết giữa vùng ĐBSCL và TP HCM.

Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL cùng doanh nghiệp TP.HCM và doanh nghiệp các tỉnh, thành đã trao đổi khả năng cung cầu, sự hỗ trợ qua lại giữa các địa phương. Từ đó, nhanh chóng kết nối các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở chế biến, các công ty phân phối tại các tỉnh để hỗ trợ xúc tiến thương mại và xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.

Tin liên quan

Đọc tiếp