Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã: TPB) vừa báo cáo tình hình kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.828 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2021. Mức lợi nhuận này đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ngân hàng này ghi nhận tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, cán mốc gần 329.000 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm 2022 đạt trên 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021. Lãi thuần từ dịch vụ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, tăng gần 75% so với cùng kỳ.
Bằng việc điều tiết nhu cầu tăng trưởng huy động theo nhu cầu sử dụng vốn, tổng huy động năm 2022 của TPBank đã đạt khoảng 289.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.
Chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt khoảng 2%, tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi (LDR) của TPBank ở mức khoảng 85%, trong đó TPBank đã thu hút được nguồn vốn huy động lớn từ dân cư.
Ngoài ra, TPBank là ngân hàng tiên phong áp dụng theo chuẩn Basel III, ILAAP, IFRS, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) tại 30/11/2022 đạt 12,96 %, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn là 8%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ ở mức dưới 1%.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 tăng 15% nhờ mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ tự động hóa quy trình bằng robot (Robotic Process Automation – RPA) và máy học (Machine Learning ) vào hệ thống nhằm tiết kiệm chi phí và điều động nhân lực sang những công việc năng suất hơn, theo Bloomberg.
Trong khi đó, tại báo cáo cập nhật về TPBank tháng 12/2022, chuyên gia SSI Research đã dự báo, lợi nhuận trước thuế của TPBank sẽ đạt 9.000 tỷ đồng trong năm 2023, con số này sẽ tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, SSI cũng cho rằng, nợ xấu ngoại bảng của ngân hàng này có khả năng tăng lên 1,2% vào năm 2023, với tỷ lệ hình thành nợ xấu là 1,58%. Theo đánh giá của chuyên gia SSI Research, nguyên nhân do lãi suất cho vay cao hơn; và yêu cầu về vốn của ngân hàng để cơ cấu lại các khoản vay.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu có thể thấp hơn nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được thông qua. Cụ thể, các khoản thanh toán gốc trái phiếu có thể được hoãn lại tới hai năm, bất cứ khi nào 65% trái chủ đồng ý.
Báo cáo cũng chỉ ra, vì hiệu quả hoạt động của trái phiếu doanh nghiệp có mối tương quan cao với lĩnh vực bất động sản, vì vậy chuyên gia tin rằng việc sửa đổi này sẽ giảm bớt khó khăn thanh khoản cho các chủ đầu tư bất động sản và giảm nợ xấu tiềm ẩn cho các ngân hàng đặc biệt đối với các khoản trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào năm 2023.