Triển khai hiệu quả cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024

TIỀN LƯƠNG QUỐC HỘI
11:25 - 29/11/2023
Triển khai hiệu quả cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024
0:00 / 0:00
0:00
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản để triển khai có hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Sáng 29/11, với 474/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Trong lĩnh vực nội vụ, Quốc hội nhấn mạnh việc đổi mới hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, trong đó rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức về thẩm quyền giao, quản lý biên chế nhằm thể chế chủ trương của Đảng về quản lý biên chế công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế đạt mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021 trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo nghị quyết, mục tiêu đề ra là sớm hoàn thành có chất lượng việc xây dựng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt là xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản để triển khai có hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Chính phủ có trách nhiệm chậm nhất là đến hết năm 2025, chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021.

Ngoài ra, tập trung tổ chức triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, bảo đảm ổn định hoạt động của tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, kịp thời giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Khẩn trương ban hành chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Cùng đó là tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả việc biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa; tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 686/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo, nhất là đội ngũ nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, trường chuyên biệt và bậc học mầm non khi cải cách chính sách tiền lương phù hợp với tổng thể và điều kiện thực tế Việt Nam.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và thừa giáo viên cục bộ; có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số; sớm sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Ảnh:quochoi.vn

Quốc hội thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Ảnh:quochoi.vn

Ở lĩnh vực y tế, Quốc hội yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, đầu tư các cơ sở khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là nơi đông dân cư, địa bàn khó khăn, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Thực hiện nghiêm việc bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng.

Cùng với đó, từng bước khắc phục tình trạng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chưa đồng đều giữa các tuyến, vùng, miền, khu vực trong cả nước.

Quốc hội lưu ý, năm 2024 cần có phương án giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập, sớm đưa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam vào hoạt động và có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập.

"Bảo đảm đủ vắc xin và duy trì tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 90% đối với tất cả các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng", nghị quyết nêu.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.