Các sản phẩm được trưng bày tại hội chợ thuộc 4 nhóm ngành chính gồm máy móc thiết bị, dệt may, nội ngoại thất, điện tử và thiết bị gia dụng.
Năm nay, do tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, một phần doanh nghiệp Chiết Giang đã ủy quyền cho các đại lý phân phối độc quyền hoặc nhà máy sản xuất của doanh nghiệp Chiết Giang tham dự và trưng bày tại hội chợ, phần còn lại sẽ tham dự qua hình thức trực tuyến.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc triển lãm. |
Đại diện Sở Thương mại Chiết Giang (Trung Quốc), bà Chen Cui, Tổng giám đốc Công ty TNHH Triển lãm Yuanda cho rằng, nhờ hiệp định RCEP (chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022), quan hệ thương mại Trung Quốc và Việt Nam đang đứng tại một điểm xuất phát mới.
Theo bà Chen Cui, từ góc độ chiến lược và lâu dài, Trung Quốc và Việt Nam cần tận dụng các lợi thế về thể chế để tiếp tục tăng cường giao lưu kinh tế, thương mại giữa các khu vực, đẩy mạnh kết nối chiến lược, nhằm đạt được kết quả hai bên cùng có lợi.
Về phía Việt Nam, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, hội chợ là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, góp phần tăng cường hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam và Trung Quốc nói chung, giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Chiết Giang nói riêng.
Ông Sơn đánh giá các hoạt động giao thương, kết nối thương mại giữa hai nước như hội chợ này là không thể thiếu để duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai bên tăng cường trao đổi thông tin, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác. Qua đó, duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng hàng hóa giữa hai nước, góp phần tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung.
Các đại biểu tham quan hội chợ ngay sau lễ khai mạc. |
Trên cơ sở đó, các hoạt động tại hội chợ ngày càng được mở rộng và đa dạng hơn, trong đó có các hoạt động kết nối doanh nghiệp nhập khẩu của Chiết Giang với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong các lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến…
Đây cũng là một trong những hội chợ hàng hóa xuất khẩu lớn nhất và có lịch sử tổ chức lâu nhất do tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc tổ chức tại khu vực ASEAN.
Một gian hàng trưng bày tại hội chợ. |
Từ năm 2011 tới nay, Chiết Giang đã tổ chức 10 hội chợ xuất khẩu tại Việt Nam. Hội chợ đã chuyển đổi từ mô hình trực tiếp từ lúc ban đầu sang mô hình kết hợp trực tiếp và trực tuyến, nhằm gia tăng khả năng kết nối, phát triển thương mại, thúc đẩy khả năng gắn kết giữa Chiết Giang và Việt Nam.
Dù nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc đều đứng trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, căng thẳng địa chính trị toàn cầu, mối quan hệ thương mại song phương vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, với kết quả kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 166,4 tỷ USD, tăng 26,6% so với năm 2020.
Trong 8 tháng năm 2022, đà tăng trưởng này tiếp tục được duy trì ổn định, đạt 117,3 tỷ USD, tăng trưởng gần 11%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.