Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. |
Sáng 28/4, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023” với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”, hội nghị tập trung bàn thảo về các cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc; thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất - nhập khẩu. Qua đó hướng tới mục tiêu phát triển xuất - nhập khẩu bền vững với thị trường tỷ dân này.
Trong quý 1/2023, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt 11,92 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu hàng hóa giảm 14%, đạt 23,63 tỷ USD.
Các mặt hàng nhập khẩu tỷ USD từ Trung Quốc trong quý 1
Dù vậy, xét trong bối cảnh thương mại chung và so sánh với nhiều thị trường khác, trong quý 1, khi nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm sâu thì Trung Quốc vẫn là thị trường có nhiều điểm sáng và dư địa.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: “Quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc luôn là ưu tiên trong chính sách kinh tế thương mại của Việt Nam. Trung Quốc cũng là một trong những thị trường kinh tế trọng điểm cả về xuất và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam”.
Hiện nay, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất và là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam.
Mặt khác, Trung Quốc là thị trường có dân số đông, gấp 14 lần so với Việt Nam. Thị trường này cũng sở hữu nhiều khoáng sản, có nhiều đường biên giới trên bộ và biển, có tập quán tiêu dùng tương đồng, có mối quan hệ kinh tế lâu đời với Việt Nam, có các thỏa thuận hợp tác song và đa phương như các hiệp định Việt Nam – Trung Quốc, ASEAN – Trung Quốc…
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế đang có từ thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính khi không phải hàng hóa, tiêu chuẩn nào cũng được Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn, được mệnh danh là "công xưởng của thế giới", hàng hóa xuất khẩu lại có nhiều điểm tương đồng với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, việc Trung Quốc mở cửa vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam.
Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường này khi nền kinh tế Trung Quốc chưa lấy lại đà tăng trưởng, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa "khủng". Nhưng Trung Quốc mở cửa đồng nghĩa sẽ tạo ra cạnh tranh lớn với hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu truyền thống.
“Chúng ta cần đánh giá đúng thị trường Trung Quốc thì mới có thể khai thác, phát huy lợi thế mà không quốc gia nào có được trong hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc”
Bộ trưởng cũng cho rằng, việc thúc đẩy thương mại sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa hai nước, đặc biệt khi Việt Nam đang có lợi thế là thành viên của 16 FTA. Từ đó, góp phần đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên.
Tại hội nghị, Bộ trưởng đề nghị cơ quan thương vụ, chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam trao đổi thông tin về thị trường, thời cơ và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước trong đầu tư; kiến nghị đề xuất những chính sách cần có, khai thác tiềm năng, lợi thế, hài hòa lợi ích hai bên.
Đánh giá về thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2023, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) Trần Quang Huy nhận định, quan hệ chính trị ngoại giao song phương tiếp tục được củng cố sẽ là điều kiện thuận lợi cho quan hệ kinh tế thương mại hai nước phát triển.
Trong quý 1/2023, nhiều đoàn công tác địa phương của Trung Quốc như Tứ Xuyên, Quý Châu, Hải Nam, Quảng Tây đã sang thăm và khảo sát giao thương tại Việt Nam; nhiều địa phương khác như Sơn Đông, Trùng Khánh cũng đang có kế hoạch đẩy mạnh giao thương với Việt Nam.
Hợp tác kinh tế Việt Nam - Tứ Xuyên chưa tương xứng với tiềm năng
Từ đầu năm, hàng hóa thông quan tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc cũng đã bắt đầu ổn định sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại từ 8/1.
Tại các địa phương có các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc như Lạng Sơn, Quảng Ninh đã ghi nhận lượng hàng hóa thông quan tương đương trước đại dịch.
Trong quý 1/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đất liền đạt 8,4 tỷ USD, trong đó nhập khẩu đạt 4,8 tỷ USD (tăng 54% so với cùng kỳ năm 2022), xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD (tăng 641%).
Tuy nhiên, ông Huy cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt. Từ đầu năm 2022, Trung Quốc đã áp dụng lệnh 248 về quản lý đăng ký xuất khẩu hàng hóa. Nhưng đến hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm bắt cụ thể về các quy định, còn vướng mắc trong việc đăng ký thông tin tại Hải quan Trung Quốc, một số doanh nghiệp đăng ký mã vùng trồng xuất khẩu nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ tiêu chí.
Bên cạnh đó, mặc dù là thị trường xuất khẩu trái cây lớn thứ 3 vào Trung Quốc (sau Chile và Thái Lan) với ưu thế vị trí địa lý gần nhưng trái cây Việt còn chịu sự cạnh tranh từ các đối thủ quốc tế khác và các địa phương tại thị trường này.
Riêng đối với sầu riêng, tuy mặt hàng này được xuất khẩu chính ngạch nhưng Trung Quốc cũng vừa mở cửa cho sầu riêng Philippines và sắp tới có thể là Campuchia, mở rộng đối tượng cạnh tranh hàng sầu riêng với Việt Nam.
Trung Quốc hiện cũng đã đưa vào khai thác tuyến vận tải hàng hóa đường sắt liên vận tốc độ cao giữa Trung Quốc – Lào – Thái Lan với chiều dài gần 2.000 km. Tuyến vận tải này sẽ giúp hàng hóa từ Lào và Thái Lan xuất sang Trung Quốc giảm 20% chi phí và 20% thời gian vận chuyển, đây sẽ là thách thức lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Nhằm đẩy mạnh cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới, ông Huy cho rằng, các hiệp hội, doanh nghiệp cần chú ý, nghiên cứu, hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc (bao gồm cập nhật thông tin doanh nghiệp trên hệ thống hải quan Trung Quốc). Đồng thời, phối hợp với đối tác Trung Quốc để đa dạng hóa cửa khẩu xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu tại các cửa khẩu đất liền trong mùa nông sản để tránh tình trạng ùn tắc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thông tin, quy định thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, đóng gói… Doanh nghiệp cũng nên tham gia các chương trình triển lãm, giao thương hai nước, nhằm kết nối tìm hiểu đối tác; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản sản phẩm, xây dựng và bảo vệ thương hiệu…
.