Nhà Trắng hôm 27/2 yêu cầu các cơ quan chính phủ gỡ bỏ ứng dụng TikTok trong vòng 30 ngày. Ảnh: Getty Images |
"Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động sai trái này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 28/2, theo CNA.
Quan chức này cho rằng lệnh cấm của chính phủ Mỹ đối với ứng dụng chia sẻ video TikTok cho thấy sự bất an của Washington. Đồng thời, bà cáo buộc Washington đang lạm dụng quyền lực Nhà nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning. Ảnh: Sky News |
"Làm thế nào mà Mỹ - siêu cường quốc hàng đầu thế giới, lại phải bất an đến mức mà sợ một ứng dụng được người trẻ yêu thích như vậy?", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Tuyên bố trên của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Nhà Trắng một ngày trước đó yêu cầu tất cả cơ quan liên bang có thời hạn 30 ngày để xóa bỏ ứng dụng TikTok.
Cụ thể, bà Shalanda Young, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ (OMB) đã yêu cầu tất cả các cơ quan liên bang phải loại bỏ TikTok trên điện thoại, các hệ thống và chặn truy cập Internet tới ứng dụng này nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu của Mỹ.
Lệnh cấm này sẽ không áp dụng với các hoạt động nghiên cứu an ninh, hành pháp, an ninh quốc gia nhưng cần được người đứng đầu cơ quan phê chuẩn. Các doanh nghiệp không liên quan đến chính phủ Mỹ và người dân không bị ảnh hưởng.
Hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật cấm sử dụng Tiktok trên các thiết bị thuộc cơ quan chính phủ, cấm sử dụng ứng dụng này tại Hạ viện và Thượng viện.
EU và Canada đều có động thái cấm TikTok trên các thiết bị của cơ quan chính phủ. Ảnh: AFP |
Ngoài Mỹ, chính phủ Canada hôm 27/2 đã cấm TikTok trên tất cả điện thoại và các thiết bị khác của chính phủ, với lý do lo ngại về mức độ truy cập của ứng dụng này đối với dữ liệu người dùng.
“Kể từ ngày 28/2, ứng dụng TikTok sẽ bị xóa khỏi các thiết bị di động do chính phủ cấp. Người dùng các thiết bị này cũng sẽ bị chặn tải xuống ứng dụng trong tương lai", chính phủ Canada cho biết trong một tuyên bố.
Các cơ quan hàng đầu của EU bao gồm Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và mới nhất là Nghị viện châu Âu ngày 28/2 đã cấm sử dụng Tiktok trên thiết bị điện tử của các nhân viên, theo Reuters.
Người phát ngôn của Nghị viện châu Âu cho biết, lệnh cấm sẽ bắt đầu từ ngày 20/3, áp dụng đối với các thiết bị như điện thoại di động và máy tính bảng đăng ký trong ứng dụng quản lý di động của cơ quan này. Nghị viện châu Âu cũng khuyến nghị các nhà lập pháp và nhân viên xóa TikTok khỏi thiết bị cá nhân.
Phản hồi trước động thái của EU, TikTok cho rằng các lệnh cấm trên là dựa trên những quan niệm sai lầm. "TikTok được 125 triệu công dân EU yêu thích. Việc tước quyền truy cập của người dùng là một bước tự chuốc lấy thất bại, đặc biệt khi chúng ta đang trong cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch", công ty cho biết.