Nếu nông dân không có smartphone thì không thể chuyển đổi số được
Chia sẻ tại hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 13/10, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện 65,4% số dân tại Việt Nam đang ở khu vực nông thôn.
"Lao động lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn năm 2022 chiếm 27,6% tổng lao động, xuất khẩu nông nghiệp đạt 23,5 tỷ USD năm 2022. Nhưng 3 năm qua, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ, điểm tựa quan trọng của nền kinh tế khi đại dịch diễn ra, dù cho lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chững lại. Nông nghiệp tiếp tục có lợi thế, trở thành trụ đỡ", ông Hiển nói.
Theo TS Nguyễn Đức Hiển, chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, khâu trung gian vẫn có tỷ lệ lớn. Vì vậy, người nông dân cần chuyển đổi số, bán hàng trên môi trường điện tử nhằm rút ngắn khâu trung gian, gia tăng giá trị nông sản của chính mình, đa dạng khách hàng...
"Khu vực nông nghiệp là thị trường, khách hàng quan trọng của các dịch vụ ngân hàng. Việt Nam xác định chuyển đổi số là toàn dân, toàn diện, vì vậy cần rút ngắn quá trình chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp, bởi tính chất ngành nghề và những đóng góp của ngành này là lớn", ông Hiển nhấn mạnh.
Đối với ngân hàng, TS Nguyễn Đức Hiển khẳng định đây là mạch máu của nền kinh tế, lĩnh vực tiên phong chuyển đổi số. Vì vậy, cần triển khai tài chính toàn diện, nâng cao chuyển đổi và thúc đẩy công nghệ chuyển đổi số cho nông dân.
TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. |
Về thiết bị, TS Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh: Nếu nông dân không có smartphone thì không thể chuyển đổi số được.
"Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về sử dụng smartphone là 60%, nhưng ở nhiều tỉnh, khu vực nông thôn, khu vực miền núi có nơi chỉ 30% số nông dân có smartphone. Như vậy, phải suy nghĩ mang tầm quốc gia gắn kết chuyển đổi số ngân hàng, tài chính với nông nghiệp, nông dân và nông thôn", ông Hiển nhấn mạnh.
Theo ông Hiển, đất nước đặt trọng tâm chuyển đổi cơ sở hạ tầng bằng đầu tư đường cao tốc với mạng lưới xây dựng xuyên suốt để phát triển. Tuy nhiên cũng cần phải suy nghĩ thêm về những thay đổi trong chuyển đổi số tài chính ngân hàng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn để phát triển toàn diện hơn.
Mở rộng mô hình thanh toán tại các vùng nông thôn
Tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông tin, hiện đã có gần 5,2 triệu tài khoản mobile money được mở tại khu vực nông thôn, trong đó gần 3,6 triệu tài khoản được đăng ký và sử dụng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; 11.670 điểm kinh doanh và hơn 172.830 đơn vị chấp nhận thanh toán; Hơn 41,8 triệu giao dịch qua tài khoản mobile money với gần 2.200 tỷ đồng giá trị giao dịch.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã triển khai trên 92.000 điểm giao dịch, trong đó số điểm ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm trên 62%. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đạt 13,9 triệu; Số lượng giao dịch đạt 25,63 triệu với giá trị đạt hơn 183.000 tỷ đồng.
Trên ứng dụng mobile banking cho phép người nông dân đăng ký, sử dụng các dịch vụ ngân hàng như tiền gửi, thanh toán, cho vay,... mà không cần đến phòng giao dịch, chi nhánh. Ngoài ra, đã có 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC và 27 triệu tài khoản mở bằng eKYC (đến T6/2023). Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR code, Ví điện tử,... cũng được các ngân hàng triển khai, cung ứng.
Các tổ chức tín dụng đã đặt máy giao dịch ngân hàng tự động tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phòng giao dịch tài chính cộng đồng vùng sâu, vùng xa; Trung tâm giao dịch 24h tại các trạm xăng cùng các mô hình Autobank để người dân được tiếp cận nhiều hơn.
Chia sẻ về chính sách để hỗ trợ phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, đại diện Vụ Thanh toán cho biết, các ngân hàng đã có các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như cho vay đóng mới, nâng cấp tàu. Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cho vay nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Cho vay góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã toàn quốc đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 5,58% so với cuối năm 2022 (tính đến 30/6/2023).
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh Viết Niệm. |
Thông tin thêm về việc thay đổi các thủ tục tại ngân hàng của người nông dân, ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng cho biết: "Chúng tôi có phiên giao dịch ở các địa điểm vùng thôn, bản để khách hàng không phải đến huyện, trụ sở Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện để làm các thủ tục vay hoặc đóng tiết kiệm nơi mình sinh sống".
NHCSXH cũng đang triển khai 26 chương trình tín dụng ưu đãi, dư nợ cuối tháng 8/2023 đạt 306.573 tỷ đồng, tăng 8,19%so với tháng 12/2022. Hiện, có 90 tổ chức tín dụng và gần 1100 Quỹ tín dụng Nhân dân tham gia cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, tín dụng đối với lĩnh nông nghiệp, nông thôn, mức tăng trưởng bình quân 2016 - 2022 là 16%.
Tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa phương: dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa cuối năm 2022 đạt 2,185 triệu tỷ đồng (tăng 8,28% so với cuối năm 2021), chiếm tỷ trọng 18,68% dư nợ toàn nền kinh tế.
Với Ngân hàng Chính sách Xã hội, chuyển đổi số ngân hàng hiện đã có khách hàng là nông dân, người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa nhưng lãnh đạo NHCSXK xác định, chuyển đổi số mới chỉ thực hiện được ở bước đầu, chưa đa dạng ứng dụng rộng rãi như các ngân hàng thương mại phát triển khác.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, nhà điều hành sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác thực trực tuyến, cung ứng dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là đơn giản quy trình cho vay trên cơ sở giải pháp đánh giá khả tín khách hàng, tiếp tục nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số...