Một tuần "đỏ lửa" của cổ phiếu thép...
Chốt phiên giao dịch cuối tuần 19/11, cổ phiếu "anh cả" ngành thép HPG rơi về vùng 48.000 đồng, tức giảm gần 4% trong phiên và giảm mạnh 17,24% từ vùng giá đỉnh 58.000 đồng hôm 28/10.
Cổ phiếu HSG cũng không ở trong hoàn cảnh khá hơn khi cắm đầu lao dốc 6% trong phiên xuống mức giá 37.500 đồng, tương đương mức giảm 25% so với đỉnh 49.850 đồng vào ngày 18/10.
NKG, ông lớn tiếp theo trong ngành thép cũng chứng kiến cổ phiếu bốc hơi 4,5% trong phiên 19/11 xuống 42.000 đồng/ cổ phiếu và giảm tổng cộng 25% so với vùng giá đỉnh 56.000 đồng hôm 22/10.
Hàng loạt cổ phiếu thép khác cũng chìm trong sắc đỏ trong phiên 19/11 bao gồm SMC (giảm 5,5%), TIS (giảm 4,9%), POM (giảm 4,7%), TLH (giảm 4,6%)...
Áp lực bán mạnh toàn sàn, trong đó có nhóm cổ phiếu thép, khiến thị trường cơ sở hôm 19/11 lập đỉnh kỷ lục cả về giá trị khớp lệnh và khối lượng khớp lệnh, đồng thời đưa VN-Index xuyên thẳng xuống ngưỡng hỗ trợ mạnh là MA20 ở vùng 1450 điểm.
Trong tuần, top 5 cổ phiếu giảm mạnh nhất trên sàn HOSE gọi tên 3 mã ngành thép là HSG (giảm 16,11%), NKG (giảm 15,75%) và TLH (giảm 13,85%). Trong khi đó, “anh cả” thép HPG dẫn đầu BXH giá trị và khối lượng giao dịch lớn nhất tuần, đứng thứ hai trong top cổ phiếu khối ngoại bán ròng nhiều nhất tuần trên sàn HOSE (hơn 633 tỷ đồng).
Top 5 mã giảm mạnh nhất sàn HOSE tuần qua |
...bất chấp triển vọng kinh doanh lạc quan
Đáng chú ý, hàng loạt cổ phiếu thép vào vùng giảm sâu bất chấp tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu vững chắc trong quý III và triển vọng thu nhập lạc quan của quý IV. Trước đó, công ty CP chứng khoán KIS Việt Nam ước tính tổng doanh thu quý III của 30 doanh nghiệp sản xuất thép niêm yết đã tăng tới 47,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ (NPATMI) tăng 173.4% bất chấp sự sụt giảm nhu cầu nội địa do diễn biến của đại dịch.
Chẳng hạn, “anh cả” ngành thép HPG đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 với doanh thu 38,9 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận ròng 10,35 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 56% và 170% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao kỷ lục, chủ yếu đến từ mảng thép cuộn cán nóng (HRC). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu và lợi nhuận ròng của HPG tăng lần lượt 63% và 206% so với cùng kỳ, đạt 105 nghìn tỷ đồng và 27 nghìn tỷ đồng.
SSI Research dự báo cả năm 2021, HPG có khả năng ghi nhận doanh thu thuần đạt 155,4 nghìn tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2020 trong khi lợi nhuận ròng lên tới 36,6 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 171%.
Hay NKG, nhà sản xuất tôn mạ và ống thép lớn nhất Việt Nam với thị phần chung 13% tính đến 6 tháng đầu năm 2021 cũng báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2021 mạnh mẽ với doanh thu đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, tăng 123% và lợi nhuận sau thuế tăng 634% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh và giá thép tăng trong kỳ.
BSC từng dự báo doanh thu thuần của NKG trong năm 2021 có thể đạt 23,4 nghìn tỷ đồng, tăng 102% so với năm 2020 trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 646% so với năm ngoái.
BSC dự báo lợi nhuận sau thuế NKG cả năm 2021 đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 646% so với năm ngoái. |
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê và Bộ Công Thương công bố, giá trị xuất khẩu thép trong tháng 10 qua vẫn tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi sản lượng xuất khẩu tăng 34%. KIS Việt Nam dự báo sự phục hồi của thị trường thép nội địa sau khi nền kinh tế khôi phục trạng thái bình thường mới cũng như sự chuyển hướng xuất khẩu sang Mỹ và EU sẽ là những động lực chính thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu thép trong quý IV.
Đi tìm nguyên nhân cổ phiếu thép “đỏ lửa”
Một trong những nguyên nhân được nhận định dẫn đến hiện tượng cổ phiếu thép "đỏ lửa" trong tuần qua là do giảm sâu của giá thép trên thị trường quốc tế.
Trade Economics cho biết sau khi tăng vọt lên mức kỷ lục 6.000 Nhân dân tệ (khoảng 939 USD)/ tấn hồi tháng 9, giá thép tại Trung Quốc đã hạ nhiệt trong những ngày gần đây, kéo theo giá thép toàn cầu giảm xuống.
Trung Quốc là nhà sản xuất thép thô lớn nhất thế giới, tạo ra sản lượng thép tương đương khoảng 56% sản lượng toàn cầu. Quốc gia này đồng thời là thị trường thép lớn nhất thế giới với nhu cầu thép tương đương 50% nhu cầu toàn cầu. Do đó, giá thép tại Trung Quốc có tác động đặc biệt đến thị trường thép thế giới.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, nhu cầu thép tại Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Hôm 19/11, Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay trong tuần 8-14/11, giá thép thành phẩm bình quân tại quốc gia này tiếp tục giảm sâu. Cụ thể, giá thép cây và thép cuộn cán nóng đều giảm ở mức 4,0% so với tuần liền trước.
Giá thép tại Trung Quốc lao dốc mạnh mẽ trong tháng qua |
Còn theo Trading Economics, giá thép kỳ hạn giao dịch trên sàn Thượng Hải đã giảm xuống mức bình quân 4.800 Nhân dân tệ (751 USD)/ tấn trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6 và giảm gần 19% so với mức cao kỷ lục 5.975 Nhân dân tệ/tấn vào tháng 5. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá thép kỳ hạn giảm sâu như vậy là do nhu cầu từ ngành công nghiệp sản xuất chậm lại trong bối cảnh khủng hoảng thiếu điện và thiếu chip toàn cầu, sự lo lắng nhu cầu tiếp tục giảm trong thời gian tới thúc đẩy nhà đầu tư ồ ạt bán tháo.
Ngay cả giá quặng sắt, nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp thép, cũng đang tụt sâu do áp lực từ cả hai phía cung và cầu. Về phía cầu, sức ép đến từ đà lao dốc trong nhu cầu sản phẩm thép, nguyên liệu thô. Về phía cung, sức ép đến từ lượng tồn kho quặng sắt đạt 147,6 triệu tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2019.
Trong bối cảnh đó, hợp đồng quặng sắt giao tháng 1 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) có thời điểm giảm xuống 511,50 Nhân dân tệ (80,21 USD)/ tấn, mức thấp nhất trong vòng 12 tháng vào hôm 18/11. Trong khi đó, giá quặng sắt hàm lượng 62% tiêu chuẩn nhập khẩu tại các cảng miền Bắc Trung Quốc hiện giao dịch ở 91,69 USD/ tấn, theo Fastmarkets MB.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% tiêu chuẩn nhập khẩu tại các cảng miền Bắc Trung Quốc có thời điểm rớt xuống 87,27 USD/ tấn trước khi phục hồi về 91,69 USD/ tấn (Nguồn: Fastmarkets MB) |
Đáng chú ý, các nhà phân tích tại Zhongzhou Futures nhận định, giá quặng sắt vẫn chưa chạm đáy khi chính phủ Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy nỗ lực giảm phát thải carbon và cuộc khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản Evergrande khiến ngành bất động sản Trung Quốc nguội đi trông thấy.
Gần đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Nội dung Nghị định quy định mức giảm thuế suất từ 5% đến 10% với thuế nhập khẩu MFN của một số sản phẩm thép xây dựng, thép tấm. Đây cũng có thể là một nguyên nhân khác khiến loạt cổ phiếu thép bất ngờ giảm sâu.
Trong một góc nhìn khác, báo cáo "Thép: Triển vọng nhu cầu vững chắc trong 4Q21" do Công ty CP chứng khoán KIS Việt Nam phát hành ngày 10/11 nhận định ngành thép vẫn có triển vọng tăng trưởng nhu cầu vững chắc trong quý IV.
"Mặc dù giá thép toàn cầu đang có xu hướng giảm, các công ty nghiêng về xuất khẩu vẫn có thể tăng doanh thu bằng cách xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và EU nhờ vào việc cắt giảm sản lượng thép ở Trung Quốc. Việc cắt giảm được kỳ vọng ở mức đáng kể trong quý 4 do mục tiêu môi trường của chính phủ Trung Quốc...
Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng sự hồi phục của thị trường nội địa sau khi chính sách giãn cách được nới lỏng và được hỗ trợ bởi mùa cao điểm xây dựng và gia tăng chi tiêu công. Nhiều khu vực xây dựng sẽ hoạt động trở lại sau giãn cách có thể góp phần vào bùng nổ nhu cầu trong quý IV/2021. Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng sản lượng thép ước ở mức 7,4% (trên cơ sở năm) trong tháng 10 và 6,2% trong tháng 9. Mới đây, Hòa Phát cũng vừa công bố số liệu bán hàng ấn tượng trong tháng 10 với tổng 978.000 tấn.
Giá bán trong nước được kỳ vọng sẽ tăng do sự kết hợp của lượng cầu bị dồn nén sau giãn cách và cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài. Trong tháng 10, Hòa Phát đã 3 lần nâng giá thép thanh từ 16,15 lên 16,8 triệu đồng/tấn".
Trích Báo cáo "Thép: Triển vọng nhu cầu vững chắc trong 4Q21"