CTCP Tổng Công ty May Đồng Nai (Donagamex) |
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã: VGT) vừa thông qua nghị quyết HĐQT về việc thoái toàn bộ vốn tại công ty liên kết là CTCP Tổng Công ty May Đồng Nai (Donagamex).
Theo đó, Vinatex sẽ chào bán riêng lẻ toàn bộ cổ phần cho dưới 100 nhà đầu tư có sự cạnh tranh về giá, với giá khởi điểm chào bán là 35.000 đồng/cổ phần. Thời gian triển khai dự kiến từ quý 3/2024.
Hiện tại, Vinatex đang nắm giữ hơn 2,8 triệu cổ phần tại Donagamex, chiếm 25,7% vốn điều lệ. Tạm tính theo mức giá này, dự kiến Vinatex thu về ít nhất 98,3 tỷ đồng sau khi thoái vốn thành công.
Donagamex tiền thân là là International Garment Manufacture, do 14 cổ đông là các nhà tư bản người Đài Loan thành lập năm 1974. Sau ngày giải phóng miền Nam, công ty được quốc hữu hóa và đổi tên thành hiện tại, đồng thời trở thành thành viên của Vinatex vào giai đoạn 1991 - 1995.
Công ty chuyên sản xuất và kinh doanh hàng may mặc xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; kinh doanh các thiết bị, phụ tùng và các sản phẩm của ngành dệt may.
Năm 2023, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần 485,2 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế hơn 30,9 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi 12,2 tỷ đồng.
Đây là công ty thứ 9 mà tập đoàn Vinatex có quyết định thoái toàn bộ vốn.
Trước đó, vào giữa tháng 7/2024, VGT cũng có thông báo về việc bán toàn bộ 100% vốn góp tại CTCP May Bình Minh (mã: BMG). Vinatex sẽ bán đấu giá công khai toàn bộ 1,323 triệu cổ phiếu BMG mà tập đoàn đang sở hữu, tương đương 25% vốn điều lệ tại May Bình Minh với giá khởi điểm chào bán là 43.700 đồng/cổ phiếu.
Thời gian dự kiến chào bán là ngay sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng. Nếu cuộc đấu giá thành công, Tập đoàn Dệt may Việt Nam có thể thu về 57,8 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh tại Vinatex, nửa đầu năm 2024, tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.083 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 1,7 lần năm ngoái, lên mức 203 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả này, Vinatex cho biết 6 tháng đầu năm 2024, ngành dệt may đã có dấu hiệu phục hồi. Hiệu quả của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn tương đối tốt do số lượng đơn hàng nhiều, các công ty bố trí sản xuất tốt mặc dù đơn giá còn thấp, đơn hàng nhỏ lẻ, thời gian giao hàng gấp và yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Vinatex giảm 0,8% so với đầu năm, còn 18.922 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong tổng tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn với 2.606 tỷ đồng, hàng tồn kho với 3.320 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn với 3.024 tỷ đồng …