Thông tin tại hội nghị cho biết, thành phố Hải Dương hiện có 111 trường (82 trường công lập, 26 trường tư thục, 3 trường liên cấp) và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với 2.071 nhóm lớp và 68.681 học sinh/trẻ; trong đó có 79 trường công lập trực thuộc và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 3 trường công lập tự chủ về tài chính thuộc Đại học Hải Dương; 29 trường ngoài công lập, trong số các trường ngoài công lập có 3 cơ sở liên cấp. Số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập có 45 cơ sở với 108 nhóm lớp và 1.487 học sinh.
Quang cảnh hội nghị. |
Chủ động và linh hoạt
Năm học 2023 - 2024 thành phố Hải Dương có một trường được công nhận chuẩn quốc gia mới; 8 trường tiếp tục được công nhận đạt chuẩn sau 5 năm; có 2 đơn vị đang được xem xét công nhận chuẩn sau khi sáp nhập.
Đối với giáo dục mầm non, việc xây dựng môi trường, khai thác và tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ngày càng hiệu quả. Song song với thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt hằng ngày, việc tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện trải nghiệm được các đơn vị quan tâm.
Trong giáo dục phổ thông, thành phố Hải Dương tiếp tục thực hiện song song chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 4 cấp tiểu học, lớp 6, 7, 8 cấp THCS và chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với các khối lớp 5 và lớp 9. Các nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chủ động và linh hoạt, có những giải pháp để khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế trong năm học trước.
Về công tác khuyến học, khuyến tài, thành phố triển khai sâu rộng, hiệu quả các mô hình “Gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập”, “đơn vị học tập”. Kết quả, đến cuối năm 2023 toàn thành phố đạt 72.359/81.013 (đạt 89.3 %) gia đình học tập; 315/341 (đạt 92.4%) dòng họ học tập; 104/104 (đạt 100%) đơn vị học tập; 203/208 (đạt 97,6%) cộng đồng học tập. Tất cả các phường, xã đã kiện toàn Trung tâm học tập cộng đồng và hoạt động ngày càng đi vào nề nếp.
Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long phát biểu tại hội nghị. |
Năm học 2023 - 2024, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành Giáo dục thành phố Hải Dương đã tích cực triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách pháp luật, các cuộc vận động và các phong trào thi đua…
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện của UBND thành phố sát sao, kịp thời, gắn với kế hoạch và nhiệm vụ năm học; những vấn đề phát sinh của ngành đã được thành phố quan tâm chỉ đạo, giải quyết kịp thời, nhận được sự đồng thuận của các nhà trường và nhân dân.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, cảnh quan sư phạm tiếp tục được quan tâm, ưu tiên đầu tư; nhiều trường được xây dựng mới theo hướng đẹp, hiện đại; nhiều hạng mục công trình, trang thiết bị dạy học được bổ sung, sửa chữa, nâng cấp. Chất lượng giáo dục đạt được nhiều kết quả tích cực hơn so với năm học trước...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương Đặng Thu Hà trình bày báo cáo tại hội nghị. |
Với những kết quả đạt được, ngành giáo dục và đào tạo thành phố được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, xếp thứ 2 trong phong trào thi đua của tỉnh và được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen.
Chưa được đầu tư đúng mức
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thuận lợi, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hải Dương vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương Đặng Thu Hà, kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia chưa đảm bảo tiến độ thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nguyên nhân do cơ sở vật chất không đảm bảo, diện tích nhỏ hoặc cơ sở vật chất xuống cấp. Số trường chuẩn của thành phố hiện nay là 55/111 tỷ lệ 49,53% (nếu chỉ tính các trường công lập 54/79, tỷ lệ 68,3%) thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh.
Về giao biên chế, UBND tỉnh Hải Dương chưa giao số biên chế theo định mức được quy định tại Thông tư 19, 20/2023/TT-BGDĐT (cấp mầm non giao tối đa là 2,5 giáo viên/lớp nhà trẻ, 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo, cấp tiểu học giao tối đa 1,5 giáo viên/lớp, cấp THCS giao tối đa 1,9 giáo viên/lớp). Cụ thể, mức giao hiện tại ở khối mầm non 2 giáo viên/lớp, tiểu học 1,41 giáo viên/lớp, THCS 1,71. Mức giao như trên chỉ cơ bản đủ, nhưng khi nhà trường phát sinh giáo viên ốm, nghỉ thai sản thì việc bố trí đội ngũ gặp khó khăn.
Về chất lượng, năng lực quản lý, điều hành của một số cán bộ quản lí giáo dục còn hạn chế, nhất là trong quản lí tài chính và xây dựng chiến lược phát triển gắn với từng nhà trường. Đội ngũ giáo viên, nhân viên ngoài công lập còn thiếu và có nhiều biến động; một số giáo viên, nhân viên xin nghỉ việc, nghỉ hưu sớm, chuyển đổi vị trí công tác (sang văn thư) do áp lực công việc.
Đại diện nhà trường trên địa bàn thành phố Hải Dương phát biểu tham luận tại hội nghị. |
Về chất lượng thi học sinh giỏi lớp 9, trong năm học, thành phố đã đổi mới phương pháp ôn tập, bồi dưỡng học sinh giỏi… tuy có chuyển biến, tăng thứ hạng nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân, chất lượng học sinh đăng ký thi các môn không đồng đều, học sinh thành phố ít có nguyện vọng và không tích cực khi tham gia thi các môn lịch sử, địa lý, nhất là khi kết quả của kì thi chọn học sinh cấp tỉnh không được cộng điểm khuyến khích khi thi tuyển vào trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, kéo theo chất lượng chung toàn đoàn không cao.
Về quản lý dạy thêm, học thêm, hiện nay, phụ huynh học sinh muốn con em mình được học thêm; giáo viên cũng muốn dạy thêm để nâng cao trình độ và tăng thu nhập chính đáng. Thực tế, dù quản lý chặt chẽ nhưng việc dạy thêm ngoài nhà trường không đúng quy định vẫn còn, mặc dù thành phố Hải Dương có quản lý gắt gao.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống ở một số trường THCS chưa tốt. Hiện tượng học sinh hút thuốc lá điện tử, không chấp hành tốt khi tham gia giao thông có dấu hiệu tăng. Đặc biệt, vấn đề bạo lực học đường, học sinh có hành vi thiếu chuẩn mực xuất hiện trên mạng xã hội, khiến dư luận xã hội và phụ huynh học sinh lo lắng, bức xúc; có những học sinh đã phải xem xét bằng những hình thức kỷ luật.
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, quản trị, dạy học và kiểm tra đánh giá còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức...
Tăng quyền tự chủ
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương Đặng Thu Hà, năm học 2024 - 2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 và tiến tới Đại hội đảng các cấp. Đồng thời, là năm học mà Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai thực hiện ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 9.
Ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hải Dương xác định tập trung tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo theo hướng phân cấp, hiệu lực, hiệu quả. Tập trung tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án trong lĩnh vực giáo dục phù hợp với thực tế địa phương, phù hợp định hướng phát triển giáo dục, đào tạo, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đã được giao cho ngành giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Bảo đảm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non. Triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông đối với các lớp, đặc biệt với các lớp 5, lớp 9; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Đại diện tập thể, cá nhân các nhà trường, giáo viên trên địa bàn thành phố Hải Dương nhận khen thưởng. |
Cùng với đó, phát huy tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Tiến hành rà soát, đánh giá việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Thành phố Hải Dương phấn đấu trong năm học có thêm ít nhất 4 trường đạt chuẩn quốc gia và 3 trường đạt các tiêu chí trường điển hình tiên tiến…
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Đình Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hải Dương gửi lời chúc mừng đến ngành giáo dục và đào tạo thành phố. Ông Lê Đình Long khẳng định, chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng mũi nhọn và phong trào thi đua của ngành giáo dục thành phố đã có những bước tiến, thực chất, được nhân dân ghi nhận và được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá là một trong 3 đơn vị xuất sắc, xếp thứ 2 của tỉnh.
Theo Bí thư Thành ủy Hải Dương, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục của thành phố vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và một số tồn tại, hạn chế đã được đề cập, tuy nhiên chưa có các giải pháp thực sự hiệu quả để tháo gỡ, giải quyết.
Ông Lê Đình Long cho rằng, trước hết là công tác tham mưu, triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn thành phố còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng; cần phải thẳng thắn đánh giá việc thực hiện các chỉ đạo còn chậm; có những nội dung chỉ đạo có tiến độ cụ thể nhưng thực hiện chậm thậm chí chưa được thực hiện, hoặc trong quá trình thực hiện có vướng mắc nhưng chưa báo cáo, đề xuất giải pháp khắc phục...
Từ kết quả quả đạt được trong những năm học qua, Bí thư Thành ủy Hải Dương đề nghị, ngành giáo dục thành phố cần tiếp tục thực hiện nghiêm và hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết của Đại hội đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết số 39-NQ/ThU ngày 9/9/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy. Trong đó, UBND thành phố cần lưu ý tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của lĩnh vực, nhất là bao quát, nắm bắt sát, chỉ đạo, tham mưu sớm, không để thụ động; giao nhiệm vụ theo đúng nguyên tắc 5 rõ, không chung chung, không xuôi chiều và có sự giám sát việc tổ chức thực hiện đến khi hoàn thành đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Đồng thời, chủ động đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh; thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục toàn diện và phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”.
Các cháu học sinh trên địa bàn thành phố Hải Dương có thành tích xuất sắc trong năm học nhận khen thưởng và các phần quà. |
UBND thành phố cần chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn các trường chủ động rà soát cơ sở vật chất cần thiết phải sửa chữa, sắp xếp nhu cầu theo thứ tự ưu tiên, để báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/11/2024, làm cơ sở, UBND thành phố tính toán cấp kinh phí sửa chữa ngay trong nguồn sự nghiệp thường xuyên và bố trí ngay trong dự toán, phân bổ ngân sách nhà nước năm 2025, để các nhà trường chủ động trong việc sửa chữa, đảm bảo an toàn cơ sở vật chất cho các cháu học sinh.
Tăng cường giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với người đứng đầu các cơ sở giáo dục; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu tại cơ sở do mình phụ trách, quản lý.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục...
Cũng tại hội nghị, UBND thành phố Hải Dương và các cơ quan liên quan đã biểu dương, trao thưởng, tặng quà cho các tập thể, cá nhân trên địa bàn thành phố đã có thành tích xuất sắc trong năm học.