UBTV QH đề nghị làm rõ quy định về quỹ chung không chia trong Luật HTX

HTX Luật
15:57 - 20/09/2022
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường (trái) và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: Lo ngại quy định quỹ chung không chia sẽ gây áp đặt.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường (trái) và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: Lo ngại quy định quỹ chung không chia sẽ gây áp đặt.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần nghiên cứu, làm rõ thêm việc bổ sung quy định quỹ không chia tối thiểu trong dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9 vào sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án luật bổ sung quy định về quỹ chung không chia, yêu cầu trích lập vào quỹ chung không chia hằng năm tối thiểu 5% lợi nhuận từ các hoạt động giao dịch bên ngoài.

Quy định này được bổ sung do quỹ chung không chia mang tính đặc thù riêng của các tổ chức kinh tế hợp tác, để hình thành và phát triển tài sản chung không chia.

Theo tờ trình, tài sản chung không chia lạc hậu về kỹ thuật, công nghệ, bị hư hỏng, hết khấu hao thì được phép chuyển nhượng, định giá, thanh lý theo quy định của điều lệ và đưa vào quỹ chung không chia. Quỹ chung không chia và tài sản chung không chia không được chia lại cho thành viên trong mọi trường hợp, kể cả khi giải thể, phá sản.

Khoản 3 Điều 64 dự thảo luật quy định về xử lý quỹ chung không chia, tài sản chung không chia khi giải thể, phá sản tổ chức kinh tế hợp tác như sau: Tài sản chung không chia là quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất thì xử lý theo pháp luật về đất đai.

Trường hợp tài sản chung không chia là tài sản gắn liền với đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng của tổ chức kinh tế hợp tác, có tư cách pháp nhân hoặc của thành viên thì tài sản chung không chia đó được phép chuyển thành tài sản chung được chia.

Tài sản chung không chia, quỹ chung không chia còn lại được bàn giao cho UBND nơi cấp đăng ký cho tổ chức kinh tế hợp tác để giao cho tổ chức kinh tế hợp tác khác trên địa bàn.

Trường hợp không giao được cho tổ chức kinh tế hợp tác trên địa bàn, chính quyền địa phương thanh lý theo quy định pháp luật về thanh lý tài sản công chuyển vào ngân sách Nhà nước, hoặc bàn giao cho tổ chức đại diện của tổ chức kinh tế hợp tác tại địa phương theo quy định.

Đưa ra góp ý tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đặt vấn đề, cần xem xét làm rõ thêm về quy định bổ sung quỹ chung không chia để phù hợp với thực tế.

“Quy định như dự thảo luật về quỹ chung không chia được trích lập từ 5% lợi nhuận với HTX, 10% với Liên hiệp HTX và 15% với Liên đoàn HTX và vĩnh viễn không được chia quỹ này thì có áp đặt không, trong khi doanh nghiệp được quyền định đoạt”?

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng đồng quan điểm với ông Cường và cho rằng, quy định về quỹ chung không chia và tài sản chung không chia còn liên quan đến quy định của Bộ luật Dân sự.

Do vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm và làm rõ hơn để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc Hiến định về bảo hộ quyền sở hữu đã được cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự.

“Theo dự thảo luật, quỹ chung sẽ không chia kể cả khi tổ chức kinh tế hợp tác giải thể, phá sản thì tổ chức ấy cũng không được quyền định đoạt, phải giao lại cho UBND để bàn giao cho tổ chức kinh tế tập thể khác. Tính hợp lý, hợp Hiến của dự thảo quy định này phải phân tích để làm rõ thêm”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Kết cấu lại các nội dung của dự án sửa đổi bảo đảm tính logic, hợp lý

Tại phiên họp, thẩm tra sơ bộ dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Sự điều chỉnh này nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị tiếp tục nghiên cứu, kết cấu lại các nội dung của dự án Luật bảo đảm tính logic.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị tiếp tục nghiên cứu, kết cấu lại các nội dung của dự án Luật bảo đảm tính logic.

Hồ sơ của dự án Luật đáp ứng điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Bố cục và kết cấu của dự án Luật tương đối chi tiết, bao quát nhiều nội dung.

Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị tiếp tục nghiên cứu, kết cấu lại các nội dung của dự án Luật bảo đảm tính logic, hợp lý hơn, sửa đổi một số thuật ngữ tránh hiểu sai, gây nhầm lẫn... Nghiên cứu bổ sung, luật hóa tối đa các quy định tại các văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định, giảm thiểu các quy định chờ hướng dẫn nhằm bảo đảm tính đồng bộ, công khai, minh bạch của Luật được ban hành.

Liên quan đến tên gọi của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), xác định vai trò nòng cốt của các HTX với các loại hình, một mặt vẫn bảo đảm bao quát được phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình HTX.

Mặt khác, việc giữ nguyên tên Luật sẽ tránh việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, rà soát về dẫn chiếu trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nêu rõ, các nội dung quy định về Tổ hợp tác còn khá mờ nhạt, chưa đủ cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định.

Do đó, ông Thanh đề nghị bổ sung làm rõ điều kiện để chuyển đổi Tổ hợp tác thành HTX như các điều kiện về số lượng thành viên, nguồn lực tài chính, tài sản, quy mô hoạt động, điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác giữa các thành viên Tổ hợp tác. Việc đăng ký của Tổ hợp tác để làm cơ sở cho công tác thống kê và quản lý Nhà nước đối với Tổ hợp tác.

Tin liên quan

Đọc tiếp