Theo Kyiv Independent, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington ngày 10/7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “Có một thông điệp mạnh mẽ từ các đồng minh NATO rằng chúng tôi thực sự muốn Ukraine gia nhập và chúng tôi đang làm việc với Ukraine để biến điều đó thành hiện thực”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Hội Hội nghị thượng đỉnh NATO, Washington, ngày 10/7. Ảnh: Kyiv Independent |
Ông Stoltenberg cho biết NATO sẽ cung cấp một gói đầy đủ cho Ukraine với các cam kết dài hạn, cung cấp thêm nhiều vũ khí, bao gồm nhiều máy bay chiến đấu F-16, các thỏa thuận an ninh song phương và gói khả năng tương tác. “Tất cả những điều này tạo nên một cầu nối cho tư cách thành viên. Đây là những hành động cụ thể sẽ đưa Ukraine đến gần hơn với tư cách thành viên,” ông nhấn mạnh.
Trước đó, trong một tuyên bố cùng ngày, NATO khẳng định: "Tương lai của Ukraine nằm trong NATO. Ukraine ngày càng trở nên tương thích và hội nhập chính trị với liên minh. Chúng tôi hoan nghênh những tiến bộ cụ thể mà Ukraine đã đạt được kể từ Hội nghị thượng đỉnh Vilnius năm 2023 về các cải cách dân chủ, kinh tế và an ninh cần thiết của mình”.
Quang cảnh phiên họp tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2024, ngày 10/7. Ảnh: Reuters |
NATO cũng cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine “trên con đường không thể đảo ngược hướng tới sự hội nhập hoàn toàn vào khu vực châu Âu – Đại Tây Dương, bao gồm cả tư cách thành viên NATO”. “Chúng tôi tái khẳng định rằng chúng tôi sẽ ở vị thế có thể gửi lời mời Ukraine gia nhập Liên minh khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng,” tuyên bố nhấn mạnh.
Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia NATO hồi cuối tháng 9/2022. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần bày tỏ hy vọng nước này có thể được gia nhập khối quân sự khi cuộc chiến kết thúc, đồng thời kêu gọi khối này cần đẩy nhanh quy trình xét duyệt và phê chuẩn.
Vào cuối tháng 4 năm nay, Tổng thống Zelensky đã thừa nhận rằng nước này cần đánh bại Nga trên chiến trường để được kết nạp vào NATO. “Tôi tin rằng Ukraine sẽ chỉ gia nhập NATO khi chúng ta giành chiến thắng. Tôi không nghĩ chúng ta được kết nạp khi chiến sự vẫn đang xảy ra,” ông nói.
Trong khi đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO sẽ là một trong những lằn ranh đỏ của nước này. Từ trước khi chiến sự nổ ra, Moscow đã nhiều lần yêu cầu phương Tây phải đảm bảo sự ràng buộc về mặt pháp lý để Ukraine không bao giờ được gia nhập vào khối quân sự này.
Đồng thời Nga muốn Ukraine cam kết trung lập, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự do việc NATO mở rộng về phía biên giới của Nga được nước này coi như một mối đe dọa tới an ninh quốc gia.
Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2024 diễn ra tại Washington, Mỹ, từ ngày 9-11/7, với sự tham gia của của lãnh đạo 38 nước - bao gồm 32 thành viên NATO và các đối tác của tổ chức này. Tại hội nghị lần này, NATO đã ra tuyên bố chung đề cập nhiều vấn đề then chốt của khối, bao gồm việc viện trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga; hỗ trợ Ukraine gia nhập NATO; vấn đề Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran; tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; sự hợp tác giữa EU – NATO và hợp tác tăng cường phòng không và tên lửa. Ngày 10/7, Nhà Trắng xác nhận rằng, tại hội nghị năm nay, các đồng minh NATO sẽ công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine khoản tài trợ cơ bản tối thiểu là 40 tỷ Euro (43 tỷ USD) trong năm 2025. Mục tiêu của NATO là "cung cấp mức hỗ trợ an ninh bền vững để Ukraine có thể chiến thắng" trong cuộc xung đột. |